Tôi tìm đến nhà anh trong một chiều mưa tầm tã, cảnh vật xung quanh càng làm cho anh phiền muộn, một người ngồi đó với bao điều suy ngẫm. Anh ngồi lặng lẽ trong một góc khuất trên chiếc giường, mắt nhìn xa xăm qua ô của khi trời đang mưa xối xả. Bao ký ức như một cuộn phim không lời hiện về trong anh, ký ức về một gia đình bé nhỏ nhưng hạnh phúc, ký ức về những cuộc chơi không có điểm dừng một thời của anh cùng với chiến hữu. Anh bảo anh ước gì có thể làm lại từ đầu. Anh tâm sự và mong ước với những lỗi lầm mà bây giờ anh đang trả giá mọi người sẽ không xa lánh anh, chỉ cần điều đó thôi anh sẽ làm được rất nhiều việc cho bản thân, gia đình và xã hội. Anh sinh ra trong một gia đình có nề nếp, bố anh là một sỹ quan Bộ đội Biên phòng ở tỉnh, mẹ anh là một nhà giáo có tiếng. Tuổi thơ của anh có biết bao điều bạn nhỏ mong muốn, anh là con một trong và là người con trai nên rất được bố mẹ nuông chiều, được bố lẫn mẹ chăm lo mọi điều. Sau khi tốt nghiệp cấp cấp ba, anh được bố trí tham gia nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị Biên phòng, sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ anh được xét chuyển chuyên nghiệp. Ngày ấy anh cao to đẹp trai, chẳng thế mà đã làm cho bao nhiêu cô gái chết mê, chết mệt vì anh. Bởi gia đình anh vốn khá giả, bố mẹ điều có công ăn việc làm ổn định, có của ăn của để, gia đình chẳng phải lo cho ai nên anh lao vào vòng xoáy của sự ăn chơi mà chính anh khi nghĩ lại không biết lúc nào mình vấp ngã. Từ những cuộc ăn chơi vô bổ đó anh đã nghiện ma túy bởi một lần chích cùng với các con nghiện khác và rồi điều gì đến đã đến anh bị lây nhiễm HIV.
Thời điểm đó kiến thức về HIV/AIDS còn hạn chế, bởi thế mà mọi người trong gia đình, họ hàng, bạn bè điều xa lánh. Nghe tin anh bị nhiễm HIV bố mẹ anh điều suy sụp, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, bầu không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt. Để trốn tránh với nỗi ê chề vì con bị nhiễm HIV nên sau khi bố mẹ anh về hưu thì gia đình phải chuyển vào Nam sinh sống. Thời điểm tôi đến gặp anh, lúc đó anh 36 tuổi. Kể từ ngày anh bị nhiễm HIV đến nay đã gần 6 năm, thời đại thong tin, xã hội văn minh hơn rất nhiều nhưng vẫn còn lời ra tiếng vào, vẫn còn đó những rào cản khó thay đổi đã khiến con người đầy mặc cảm như anh không thể hòa nhập được với cộng đồng, với cuôc đời được nữa. Trong căn nhà u tối, lúc nào anh cũng đóng kín cửa, anh tránh ra ngoài, ngại tiếp xúc với mọi người, nhờ bố mẹ nghỉ hưu nên anh rất được ông bà chăm sóc, các cụ chỉ mong rằng anh sống được ngày nào hay ngày ấy và bệnh của anh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Không hiểu sao ngoài trời vẫn cứ mưa tầm tã như hiểu và đồng cảm tâm trạng của anh. Khi anh kể lại cho tôi nghe về cuộc đời mình thì những giọt nước mắt cứ lài trên gò má xanh xao và gầy guộc của anh. Bỗng đôi mắt anh nặng trĩu, đỏ quạch và thấm đẫm nỗi đau buồn, tuyệt vọng. Càng về sau câu chuyện anh càng suy sụp, không còn cứng cỏi như lúc mới đầu vào buổi nói chuyện. Bây giờ ở anh chỉ còn là người đàn ông bé quắt và xám xịt đi vì bị bệnh. Nghĩ về những lầm lỡ đã qua anh ngậm ngùi nói tôi có lỗi với gia đình, để bố mẹ già yếu chăm sóc mình là một điều bất hiếu, anh bảo anh chỉ mong sao có chút sức khỏe để sống cùng với các cụ, còn sống ngày nào vui cho các cụ ngày đó.
Với những gì anh phải trả giá cho ma túy, cho những lỗi lầm của mình, là người đã từng vấp ngã trên đường đời, anh bảo cũng như mong rằng các bạn trẻ đừng thờ ơ, đừng thiếu trách nhiệm với gia đình, phải sống cho mình mọi người, vì cộng đồng và xã hội. Anh tâm sự thêm sống không có hoài bão, không ước mơ, không lý tưởng, lười học tập, lười lao động để rồi sa ngã vào các tệ nạn xã hội, phải đến mức nhiễm HIV như anh thì đã quá muộn.
Khi nói đến đây căn phòng bỗng nhiên lặng phắc, mẹ anh với đôi mắt đẫm lệ, bà thương cho một số phận, thương cho người con trai duy nhất trong gia đình bởi vì lỗi lầm mà không bao giờ làm lại được. Tôi cảm nhận được sự yêu thương của bà đối với người con trai mà mình đứt ruột đẻ ra và có một kết cuộc mà không bao giờ bà nghĩ khi sinh ra có ngày gia đình lại rơi vào hoàn cảnh như bây giờ. Bà khóc trong tận cùng của nỗi cô đơn và bất hạnh. Người mẹ sớm hôm nuôi anh ăn học, chăm cho anh từng giấc ngũ giờ đây phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc anh có đủ sức khỏe để chống chọi lại với bệnh tật. Lời cuối cùng bà nói tôi mong sao không còn phải có những gia đình phải chịu hoàn cảnh như tôi và mọi người phải có ý thức sống vì gia đình, cộng đồng và xã hội, tránh sa ma túy.
Câu chuyện tôi kể lại trên là một vết thương lòng, đó là một bài học, là lời cảnh tỉnh cho những ai không biết quý trọng giá trị của cuộc sống. Mong rằng qua bài viết này, nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi sẽ rút ra những bài học để không phải ăn năn, hối tiếc và sống có ích cho xã hội. Trước lúc chia tay anh hát tặng tôi một bài hát về người bị AIDS của nhạc sỹ Trần Tiến. Câu hát khan khan có lúc tưởng sẽ ứ nghẹn lại sau tiếng nấc. Nhưng cuối cùng nó vẫn vang lên trọn lời. Đằng sau đó, một đôi mắt đã bắt đầu hoen đỏ....