Tìm kiếm
Từ lâu, Huế đã là trung tâm lớn của miền Trung và cả nước
Ngày cập nhật 03/04/2014

Việc Bộ Chính trị có Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 “Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020” về xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là rất chính xác và có tầm nhìn xa. Từ lâu, Huế (tức là Thừa Thiên Huế) đã là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, trung tâm KHCN, trung tâm GD-ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước.

Theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, thì: Đô thị loại 1 (trực thuộc Trung ương) phải là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước; sau đó mới tính đến tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động; có cơ sở hạ tầng được xây dựng nhiều mặt đồng bộ và hoàn chỉnh; có quy mô dân số, mật độ dân số bình quân hợp lý. Theo tiêu chí trên, Huế xứng đáng là đô thị trực thuộc trung ương với những đặc điểm sau:

1. Trong một bài viết gần đây, tôi đã nói đến Huế: “Từ thời các chúa Nguyễn, dưới tác tên gọi khác nhau, Huế đã là thủ phủ của Đàng Trong trong thời gian dài với 2 vị trí kinh đô là Kim Long và Phú Xuân. Đến thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ (1789 - 1802), thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), nước Đại Việt thống nhất, Huế vẫn là kinh đô Đại Việt (thời Gia Long trở về sau là Việt Nam) Huế vẫn là kinh đô. Dù tên gọi như thế nào, Huế cũng là đô thị thủ đô của Đàng Trong và Đại Việt suốt từ năm 1687 (từ khi Chúa Nguyễn vào phủ Kim Long) đến năm 1945 (258 năm). Thủ phủ, hay thủ đô của một quốc gia ngần ấy năm tức là “thành phố trực thuộc Trung ương” chừng ấy năm. Thực sự thì cái tên “Huế” nổi tiếng thế giới từ xưa. Những danh xưng kèm theo tên “Huế” đã khắc sâu trong tâm khảm người Việt và người ngoại quốc, như: “Huế Thơ”, “tà áo dài Huế”, “nón Huế”, “Ẩm thực cung đình Huế”, “Bún bò Huế”, “Kinh đô Huế”, “Trường Quốc Học Huế”.v.v.. Chỉ riêng món “Bún bò giò heo Huế” thôi đã có mặt khắp trong nước và trên thế giới. Từ Cà Mau đến Lạng Sơn, ở đâu ta cũng gặp quán “Bún bò Huế”. Đó là sức lan tỏa trong thời gian của văn hóa kinh đô, văn hóa của một trung tâm lớn. Kinh đô Huế đã để lại 2 di sản thế giới là Quần thể Di tích Cô đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế và để lại kho tàng mộc bản triều Nguyễn quý giá…

2. Từ năm 1975 đến nay, qua theo dõi, tôi thấy Huế là một trung tâm đào tạo, trung tâm y tế lớn của miền Trung và cả nước. Những thương hiệu giáo dục Huế như Trường Quốc Học, Trường đại học Khoa học, Sư phạm, Mỹ thuật Huế, Học viên Âm nhạc (đây là hai ngành đào tạo đặc thù mà chỉ có Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh mới có)… đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò nổi tiếng sau này đã trở thành những nhân vật chủ chốt của ngành giáo dục, ngành văn học nghệ thuật của quốc gia.

Về ngành y, Huế đã trở thành một trung tâm y tế có uy tín, có tay nghề cao nhất miền Trung và Tây Nguyên. Trường đại học Y Dược Huế có trên 8.000 sinh viên từ khắp nước, và một số nước ngoài. Đại học Huế hàng năm có trên 95.000 sinh viên cả nước theo học. Bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Huế là người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên. Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An… Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế đã mổ tim, ghép tim, ghép thận thành công, ngang tầm với những bệnh viện lớn trong khu vực.

3. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công 7 kỳ Festival Huế. Qua 7 lần tổ chức, Festival Huế trở thành một thương hiệu quốc tế hấp dẫn. Nói thương hiệu quốc tế là nói đến sức lan tỏa, sức hút đối với các nghệ nhân và người yêu thích trên toàn thế giới. Sức cuốn hút của Festival Huế chính là sức cuốn hút của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và văn hóa đường đại và truyền thống 5 châu lục. Chỉ có một trung tâm du lịch, văn hóa lớn mới đủ sức tổ chức thành công những lễ hội văn hóa lớn như vậy. Để tổ chức được một festival văn hoá tầm quốc tế, chúng ta phải có đủ tầm văn hoá để đối tác với văn hoá nghệ thuật các nước. Huế là trung tâm văn hoá Việt Nam suốt 142 năm Triều Nguyễn (1902 - 1945) nên có đủ vốn liếng văn hóa, đủ chiều sâu văn hoá bác học và dân gian để tổ chức thành công các festival. Nhiều chương trình Festival Huế qua nhiều lần tổ chức đã trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn người xem như Lễ hội Nam Giao, Huyền thoại Sông Hương, Đêm Hoàng Cung, Dạ nhạc tiệc, Lễ hội áo dài, Chợ quê ngày hội... Vì thế, Bộ Văn hóa - Thế Thao - Du lịch đã xác định Huế là trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước.

4. Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều sản phẩm và dịch vụ nổi tiếng thị trường trong nước và thế giới, như bún bò giò heo là một trong 50 món ăn nổi tiếng châu Á, các món ăn, như cơm Hến, bánh khoái Lạc Thiện đều có trong sách guide thế giới. Sản phẩm dệt may Huế có mặt ở thị trường nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm bia Huda Huế có mặt khắp thị trường miền Trung, nhiều năm liên tục là sản phẩm Việt Nam chất lượng cao. Nhiều khách sạn ở Huế liên tục được xếp hàng là khách sạn đạt “chất lượng vàng”

5. Theo số liệu của UBND tỉnh, tổng hợp các tiêu chuẩn đô thị (chức năng, quy mô, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, hệ thống công trình hạ tầng đô thị, kiến trúc và cảnh quan đô thị), Thừa Thiên Huế đạt 79,1/ 100 điểm, hội đủ các tiêu chuẩn đô thị để đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Huế trực thuộc Trung ương được xác định là “Thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện”. Đây là một loại đô thị mới, là mơ ước của nhiều đô thị trên thế giới hiện nay, vì họ quá chú trọng xây dựng nhà cao tầng chọc trời, xây dựng công nghiệp, nên khói bụi và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, nếu được công nhận, là thành phố lớn nhất nước với trên 5.000 cây số vuông. Nhưng, chúng ta đã có kinh nghiệm mở rộng Hà Nội mấy năm nay. Một Thủ đô có núi có rừng, có làng quê, ruộng, vườn, có đô thị, có đồng bào người dân tộc - Đó chính là một thủ đô văn hóa- sinh thái cần được tổng kết và phát triển.

Với những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế là một tất yếu lịch sử, một yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai của một trung tâm động lực kinh tế miền Trung.

Theo Ngô Minh (Báo TTH)
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 99