Tìm kiếm
Hội NCT phường Thủy Biều, TP Huế: Nêu gương sáng phát triển kinh tế
Ngày cập nhật 23/04/2014
Ông Hoàng Trọng Sằng, hội viên NCT phường Thủy Biều.

Hội NCT phường Thủy Biều, TP Huế có gần 600 hội viên tham gia sinh hoạt ở 6 chi hội, 18 tổ hội. Những năm qua, Hội NCT phường liên tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” trên nhiều lĩnh vực; tham mưu, tư vấn cho địa phương xây dựng thương hiệu “Thanh trà Huế”, một cây đặc sản mang hiệu quả kinh tế cao…

 Phường Thủy Biều được hình thành từ hàng trăm năm nay bên bãi bồi Sông Hương vùng ven TP Huế, có đất đai màu mỡ, phù hợp với trồng cây thanh trà, cho quả ngọt, từng là loại quả tiến vua Nguyễn khi xưa. Hiện diện tích trồng thanh trà tại đây lên tới hơn 200 ha, bình quân mỗi 1ha thu gần 100 triệu đồng/vụ, nếu trồng, chăm bón đúng kĩ thuật thì từ 150 – 200 triệu đồng.

Ông Dương Minh Quân, Chủ tịch Hội NCT phường Thủy Biều cho biết: “Bằng kinh nghiệm tích lũy được, nhiều hội viên NCT hướng dẫn con cháu kĩ thuật trồng, chăm sóc… mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Năm 2009, Hội NCT tham mưu, tư vấn cho phường đăng kí nhãn hiệu “Thanh trà Huế” với Cục Sở hữu Trí tuệ, nhờ vậy người tiêu dùng cả nước biết đến thanh trà Thủy Biều. 5 năm qua, phường có 63/898 hộ trồng thanh trà được trao quyền sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”, phần lớn là hội viên NCT.

Hội NCT tham gia vào các hoạt động tại ngày hội giới thiệu sản phẩm phường Thủy Biều

Ông Lê Biểu, 65 tuổi, thôn Lương Quán, dẫn chúng tôi dạo quanh vườn thanh trà, nói như khoe: “Từ ngày thanh trà có thương hiệu, chúng tôi vui hẳn. Nhiều người dân, du khách tìm đến vườn mua. Giá cả tùy theo mùa, nhưng nhìn chung lúc nào cũng cao hơn giá thanh trà nơi khác”. Ông Biểu còn cho biết, vườn thanh trà gia đình ông không rộng như các hộ khác, với 1.400m2, nhưng mỗi năm thu từ 100 – 120 triệu đồng. Ông Trần Văn Cường, 67 tuổi, ở thôn Trung Thượng, thu nhập từ vườn thanh trà khoảng 100 triệu đồng/năm. Đời sống của nhiều người dân Thủy Biều ngày càng đi lên, việc chăm sóc con cái học hành thuận lợi hơn. Không ít gia đình ở vùng cây đặc sản này nuôi con theo học đại học đàng hoàng.

Để có chỗ đứng trên thị trường, các hộ dân trồng thanh trà ở Thủy Biều xác định phải giữ gìn thương hiệu bằng việc chăm sóc tốt cây thanh trà, vừa giúp cho cây sai quả, giữ được vị thanh ngọt vốn có. “Điều tôi quan tâm nhất là phải luôn bảo đảm chất lượng quả thanh trà, giữ uy tín cho mình và thương hiệu thanh trà Thủy Biều. Vì vậy, tôi chăm chút, cố gắng áp dụng công nghệ sạch trong khâu chăm sóc vườn thanh trà”, ông Trần Văn Cường cho biết.

Ông Hoàng Trọng Sằng, 69 tuổi, thôn Trung Thượng, mạnh dạn chuyển đổi gần 3.000m2 đất vườn tạp sang trồng bưởi thanh trà, sau 3 năm, vườn thanh trà của gia đình ông cho thu nhập 120 triệu đồng/vụ. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sằng rất tích cực với công tác Hội, hiện là Ủy viên BCH Hội NCT phường, Chi hội trưởng chi hội NCT thôn Trung Thượng.

Vừa tham gia công tác Hội NCT, vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Võ Bá Minh, 67 tuổi, Phó Chủ tịch Hội NCT phường Thủy Biều qua 2 nhiệm kì, cho biết: “Địa hình của phường Thủy Biều rất phức tạp, dân cư ở không tập trung, từ thôn này sang thôn khác đi lại khó khăn, thế nhưng hằng ngày tôi vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ đến các chi hội, tổ hội nắm tình hình, thông báo công việc cho các chi hội trưởng… vất vả nhưng cũng vui”. Ông Minh còn tích cực trong việc thành lập CLB Thái cực trường sinh đạo, thu hút 32 hội viên thường xuyên tập luyện.

Hội tổ chức Lễ hội Bài Chòi

Ngoài ra, còn rất nhiều hội viên NCT tích cực tham gia làm kinh tế giỏi như ông Hồ Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Hiên, bà Đặng Thị Có… thu nhập từ kinh tế vườn 60 – 70 triệu đồng/năm. Những việc làm của các hội viên NCT phường Thủy Biều làm gương cho thế hệ trẻ trong lao động sản xuất, dám nghĩ, dám làm, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phong trào đã góp phần tích cực giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 197