Tìm kiếm
Cái dũng của người thầy: Tôn trọng và bảo vệ lẽ phải
Ngày cập nhật 19/05/2014

Cái dũng của người thầy, chính là cái dũng mà họ đã dạy trò trong cái bài đầu tiên của môn Giáo dục công dân lớp 8 ấy: "Tôn trọng và bảo vệ lẽ phải".

Cải cách giáo dục, cần cải cách từ tư duy

Xã hội chúng ta ngày nay đang "hô to gọi nhỏ" đề nghị cải cách giáo dục, từ học sinh, phụ huynh đến các lãnh đạo đều đồng tình rằng giáo dục cần cải cách. Thậm chí, Bộ GD cũng đưa ra một đề án cải cách giáo dục dự kiến cần tới 34 000 tỷ đồng.

Tuy vậy, nếu chúng ta cho rằng cải cách chỉ bởi vì nhận ra rằng Việt Nam đang tụt hậu về nguồn nhân lực so với bạn bè quốc tế thì sẽ chẳng bao giờ thành công được. Như TS Giáp Văn Dương chia sẻ thì chỉ sợ là trận đánh lớn này "chưa đánh đã vỡ trận", còn nhà giáo Phạm Toàn gọi là "đánh trận giả".

Gọi là cải cách, nhưng vẫn với chỉ tiêu thành tích, với chương trình khung do bộ  biên soạn, với những tư tưởng chính trị lồng ghép trong giáo dục. Gọi là thay đổi phương pháp học, nhưng thầy giáo vẫn là chân lý, vẫn với những câu hỏi có sẵn đáp án, chỉ khác tấm bảng đen nay thay bằng màn hình máy chiếu. Nếu cải cách giáo dục mà chỉ là cấm giáo viên dạy thêm, là tăng cường giám thị, là áp đặt các mô hình "tiến bộ" như "bàn tay nặn bột" hay lồng ghép bắt buộc về "phòng chống tham nhũng", "giảm nhẹ rủi ro thiên tai" bất chấp năng lực và điều kiện của địa phương thì có trông đợi một sự tiến triển được không?

Cho dù có bao nhiêu kiến nghị, bao nhiêu đề xuất, mà cha mẹ vẫn là những người cho rằng "con hư thì phải đánh", rằng tự do phải là một "tự do trong khuôn khổ", đi học là để sau này có "công ăn việc làm ổn định", thi đại học là quan trọng nhưng phổ thông thì cứ phải học sinh giỏi, định hướng nghề nghiệp đơn giản là "nhất Y, nhì Dược" còn "Ngoại Thương là tốt, ngân hàng kiếm được", liệu cải cách có thành công?

giáo viên, học trò, giáo dục, thay đổi

Học sinh Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vị trí của người thầy là dạy trò cách tự học

Hãy nói ngay như môn học đạo đức của chúng ta, cách mà sách giáo khoa Việt Nam đang dạy được quốc tế gọi là "moral practice" (tạm dịch là đạo đức thực hành). Chúng ta "chỉ tận tay, day tận trán" cho các em rằng thế nào là được, thế nào là tốt, thế nào là không phải nhưng lại không dạy là tại sao phải làm như vậy, cơ sở nền tảng cho những điều  đó.

Ví dụ đơn giản bài Giáo dục công dân lớp 8, chúng ta dạy các em "tôn trọng lẽ phải", sẵn sàng đứng ra bảo vệ lẽ phải bất chấp số đông và cường quyền nhưng lại áp đặt ngay định nghĩa lẽ phải là "những điều đúng đắn phù hợp với đạo lý và lợi ích xã hội". Không biết định nghĩa về "đạo lý xã hội" là gì, thế nếu "đạo lý xã hội" mâu thuẫn với "lợi ích xã hội" thì sao? Phải làm sao khi niềm tin và lương tâm cá nhân đi ngược lại với quan điểm của số đông và lợi ích số đông?

Cá nhân tôi đồng tình với Tiến sĩ Giáp Văn Dương với quan điểm phải làm rõ cả ba câu hỏi là "Học cái gì?", "Học như thế nào?" và "Học để làm gì?". Khi cứ chăm lo đến việc cải cách sách giáo khoa, giảm tải này nọ chúng ta mới chỉ tập trung đến câu nói "Học cái gì".

Bằng cách bỏ quên hai câu hỏi phía sau, chúng ta vẫn giữ cho mình tư duy "thầy giáo là chân lý, sách giáo khoa là sự thật". Nói về vai trò của người thầy và trò nhà giáo Phạm Toàn đã nói một câu rất xúc tích: "Trẻ cần phải đi trên con đường làm ra chân lý chứ không phải con đường người khác vẽ ra".

Một giáo viên giỏi, cần lòng dũng cảm

Cái dũng của người thầy, chính là cái dũng mà họ đã dạy trò trong cái bài đầu tiên của môn Giáo dục công dân lớp 8 ấy: "Tôn trọng và bảo vệ lẽ phải". Phải chăng vì thành tích của các thầy cô, của nhà trường mà các em buộc phải được điểm cao, phải lên lớp dù cho không đủ năng lực chính là lẽ phải? Phải chăng vì sợ đoàn thanh tra nên bắt các em chép lại toàn bộ vở, vì thi giáo viên giỏi nên bắt các em học thuộc lòng đáp án chính là "bảo vệ lẽ phải"?

Để bảo vệ được lẽ phải, rất cần sự dũng cảm. Sự dũng cảm để đối mặt với cường quyền, với áp lực của xã hội, và các thầy cô, hơn ai hết phải là tấm gương cho các em học sinh về lòng dũng cảm đó. Nếu không, xin hãy thay hai chữ "người thầy" cao quý bằng "người dạy thuê" cho đúng với tính chất công việc.

Tôi biết, nghề giáo ở ta chưa được trả lương đúng mức, đời sống các thầy cô gặp nhiều khó khăn, nhất là những thầy cô kiên quyết không nhận phong bì của phụ huynh học sinh. Nhưng chúng ta kêu gọi cải thiện đời sống giáo viên, chúng ta lại càng kêu gọi các thầy cô giữ vững sự dũng cảm của mình. Tôi không nói nhận phong bì ắt là sai, nhưng tôi nói rằng dùng áp lực về tài chính để biện minh cho những hành động mà tôi kể trên là không thể chấp nhận. Có giáo viên đã nhận xét dưới bài của cô giáo Trang Nhung thế này "Đối với cơ chế giáo dục như ngày nay, tốt nhất chúng ta (giáo viên) đừng quá tâm huyết với nghề, nói ra thì hơi tiêu cực, nhưng cơ chế nó như vậy thì ta phải xuôi theo thôi."

Có thầy cô khác nói rằng: "Nếu ai có tâm huyết với nghề giáo bây giờ thì không thể làm đc GV vì khi vào nghề mới thấy con người mình không phải cái gì tốt cũng làm đc..."

Những lời bình luận như vậy không hề ít, dù rằng tôi cũng không muốn quy chụp lên đa số những người đang làm nghề giáo. Nhưng tôi tự hỏi rằng, chính một người thầy (và hẳn cũng là một bậc phụ huynh) mà còn nói rằng "không phải cái gì tốt cũng làm được" thì làm sao chúng ta có thể mong học trò trở thành những "con ngoan, trò giỏi" theo ý của chúng ta.

Giáo viên cũng là người lao động, mà lao động thì cần được trả công xứng đáng, tăng lương là cần thiết. Thế nhưng khó khăn không có nghĩa là cúi đầu, nghèo khó không thể là biện minh, áp lực thành tích không thể được coi là lý do cho bất cứ hành vì không trung thực nào của các thầy cô giáo.

Tôi mong các thầy cô hãy cố giữ lấy sự dũng cảm, lòng nhiệt huyết của mình. Đứng trên bục giảng, trước hết chúng ta là người lao động, sau đó mới là một người chia sẻ tri thức. Bất cứ người lao động chân chính nào cũng sẽ chỉ nhận những đồng tiền chân chính, không ai có quyền viện dẫn sự nghèo khó hay tiền lương chưa tương xứng để nhận những đồng tiền không minh bạch. Là người chia sẻ tri thức, chúng ta là người đưa đường chỉ lối chứ không phải là ông chủ hay vị thánh, không thể nhân danh đạo đức hay bất cứ động cơ tốt đẹp nào để áp đặt, nhục mạ hay trừng phạt thể xác của các em.

Làm được điều đó, cần lắm sự dũng cảm, sự dũng cảm khi đứng trước cám dỗ của đồng tiền, của áp lực thành tích, của gánh nặng gia đình, và của cả những cơn giận dữ khó kìm nén. Nhưng mong sao, mỗi người giáo viên đều rèn luyện cho mình một trái tim dũng cảm như thế, xã hội sẽ luôn tôn vinh các thầy cô.

Theo Hoàng Đức Minh(NIETNAMNET)
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 154