Tìm kiếm
Thanh trà đất cố đô
Ngày cập nhật 16/08/2016
Lễ hội Thanh trà năm 2014

Vào công cụ tìm kiếm google, đánh từ khóa “thanh trà Huế” sau 0,25 giây đã cho kết quả hơn 1 triệu lượt tìm kiếm.

Lễ hội thanh trà Huế tại Thủy Biều

Với cách tìm tương tự đó, “bưởi Diễn” sau 0,29 giây cho kết quả 600 ngàn lượt. Bưởi Năm Roi sau 0,30 giây cho kết quả 546 ngàn lượt.

Thống kê rất khiêm tốn ấy phần nào đã cho thấy thanh trà Huế nổi tiếng chất lượng và giá trị thương hiệu, xứng đáng là số một của dòng họ bưởi Việt Nam.

Hương đất Thủy Biều

Quả thanh trà là một loại đặc sản rất quý, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, được trồng nhiều ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nó nằm vào "tốp" 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Nhiều người ở Huế cho biết thanh trà là đặc sản quý tộc, cây trồng lâu năm, một trong những phẩm vật cung tiến vua chúa triều Nguyễn.

Ngay trên vùng đất này, cũng chỉ có một số xã ven đôi bờ ở phía thượng nguồn sông Hương mới trồng thành công giống cây khó tính này, cho quả chất lượng.

Tìm đến vườn ông Võ Đăng Thạnh ở làng Lương Quán thuộc phường Thuỷ Biều, TP Huế, chúng tôi hỏi mua một ít thanh trà về làm quà thì được chủ nhà xởi lởi bóc bưởi thanh trà mời khách thưởng thức.

Nhìn bên ngoài trái thanh trà khác với các loại bưởi khác, thanh trà nhỏ hơn, có hình quả lê, đầu cuống không nhọn như bưởi Năm Roi. Phía bên trong lớp vỏ mịn màng của quả thanh trà là những múi căng mọng. Tép thanh trà ở trong từng múi khi đến độ chín có màu hơi vàng nhạt, mọng nước, ăn hơi giòn, thơm.

Thanh trà thơm ngon đặc biệt, hương vị ngọt thanh, giữ lại rất lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ, từ lá. Những trái thanh trà ngon là những trái có vỏ mỏng, láng bóng mang màu nắng.

Thông thường thì đầu vụ thanh trà chưa được ngon. Phải đợi đến lúc vườn thanh trà nhận được những trận mưa đầu mùa thu thì tép mới mọng, vàng ươm. Nhưng nếu bị dầm mưa nhiều ngày hương vị trong từng thớ thịt thanh trà sẽ bị nhạt đi.

Khu vườn gia đình ông Thạnh đang sinh sống là đất hương hoả, diện tích hơn 0,5 ha, chỉ trồng duy nhất một loại cây, thanh trà, trong đó có nhiều cây đã trồng lâu năm nên còn gọi lão thanh trà, trĩu quả.

Với gia đình ông Thạnh, vườn thanh trà đã để lại rất nhiều kỷ niệm. Ông yêu vườn bưởi thanh trà như yêu cuộc sống của gia đình mình.

Trong đó có hình bóng người mẹ già của ông sớm hôm lọm khọm quét lá vàng dưới vườn thanh trà rồi chọn vài quả ngon nhất dùng bao bọc lại làm dấu là phần để cúng tổ tiên ông bà cũng như đất trời trước khi mang hoa trái ra bán ngoài thị trường.

Mỗi năm, từ cuối tháng Chạp đến tháng Giêng, bưởi thanh trà nở hoa trắng xoá đến nao lòng. Mùi thơm của hoa toả hương dịu ngọt, nhẹ nhàng, rất dễ chịu.

Ông Thạnh nhặt từng cánh hoa thanh trà vừa rụng xuống, gói lại cho các cô con gái gội đầu. Gội đầu bằng loài hoa này tóc con gái luôn bóng mượt, mềm mại và có mùi thơm tinh khôi.

Ông xem cây như bạn thân, nhặt lá, tỉa cành, tìm niềm vui bên cội thanh trà sần sùi gốc rễ. Để rồi trên từng bông hoa ấy hình thành nên những quả bưởi thanh trà lớn dần theo ngày tháng đến mùa quả chín tới.

Vườn bưởi thanh trà hơn 200 gốc của ông Thạnh được TP Huế chọn làm địa chỉ xanh đón khách du lịch. UBND phường Thuỷ Biều cũng đã mở một địa chỉ e-mail thanhtrathuybieu@yahoo.com để khách hàng trong và ngoài nước liên hệ đặt hàng.

Thương hiệu quốc gia

Phường Thủy Biều là địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng xây dựng thương hiệu "Thanh trà Huế". Để khẳng định chất lượng thanh trà Huế và khỏi bị hàng nhái, trước khi đem đi tiêu thụ, sản phẩm được dán tem thương hiệu "Thanh trà Huế".

Sản phẩm thanh trà của gia đình anh Trần Văn Cường

Tổng diện tích trồng thanh trà ở Thủy Biều có khoảng 150 ha, bình quân hàng năm đạt doanh thu từ 9 đến 10 tỷ đồng. Trồng sau 5 năm sẽ cho quả bói, sang năm thứ sáu cho quả đại trà. Theo các nhà vườn thì năm cho quả đầu tiên trung bình 40 đến 50 quả, các năm sau cho năng suất gấp hai đến ba lần.

Giá mỗi quả thanh trà từ 10 ngàn đến 30 ngàn đồng. Tuổi thọ tối thiểu của cây thanh trà từ 30 đến 40 năm. Trồng thanh trà trên đất phù sa cho thu nhập cao hơn, trung bình gần 600 ngàn đồng/cây/vụ.

So với trồng lúa và màu thì trồng thanh trà cho giá trị gấp hơn 5 lần. Trong những năm qua, bưởi thanh trà đã trở thành cây giảm nghèo, vươn lên làm giàu của hàng ngàn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế.

Anh Trần Văn Cường ở phường Thủy Biều đã chuyển đổi 5 sào đất canh tác từ trồng rau màu sang trồng thanh trà, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/vụ. Anh Cường phấn khởi trước việc tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm xây dựng thương hiệu "Thanh trà Huế" đã góp phần giúp bà con bán được sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 1.200 ha cây thanh trà. Ngoài việc trồng thanh trà ở TP Huế, các địa phương khác như thị xã Hương Trà cũng trồng gần 500 ha, Phong Điền gần 260 ha, thị xã Hương Thủy hơn 100 ha... ở dọc dãy đất phù sa các con sông Ô lâu, sông Bồ.

Ông Phan Ngọc Thọ- Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết tỉnh này đã đưa trái cây đặc sản thanh trà vào chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản của tỉnh đến năm 2020. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để thanh trà Huế vươn xa trên thị trường.

Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cùng với các nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu đặc sản Huế, đăng ký thương hiệu ra thị trường nước ngoài.

Theo ông Thọ, việc làm này nhằm hình thành các thương hiệu đặc sản của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.

Thông qua đó để duy trì danh tiếng của đặc sản Huế, nâng cao đời sống của người dân vùng SX, kinh doanh đặc sản và phát huy giá trị văn hóa của đặc sản, góp phần xây dựng văn hóa Huế.

Được biết, bưởi thanh trà Huế là 1 trong 11 một đặc sản của Huế (gồm bún bò Huế, kẹo mè xửng Thiên Hương, tôm chua và mắm ruốc...) được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác nhận Giá trị ẩm thực châu Á.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang thực hiện bốn dự án chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản bưởi thanh trà.

Theo đó, hàng năm tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh, mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế, nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng thanh trà toàn tỉnh, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình cải tạo, trồng và chăm sóc thanh trà ở phường Thủy Biều và sau đó sẽ nhân rộng.

Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 10 đặc sản của tỉnh Thừa Thiên -Huế được đăng ký thương hiệu độc quyền ra thị trường nước ngoài.

Theo Lâm Quang Huy (nongnghiep.vn)
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 749