Quan trọng vẫn là sinh kế
Trộm cát sạn giảm hẳn
Khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương không còn là chuyện mới. Do nhu cầu việc làm mưu sinh và thị trường vật liệu xây dựng luôn “nóng”, nên trên sông luôn có nhiều đối tượng sẵn sàng đưa phương tiện, máy móc đến hút trộm cát, sạn trái phép, bất chấp các quy định và lệnh cấm của UBND tỉnh. Dù chính quyền địa phương và công an các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ nhiều phương tiện vi phạm, song tình trạng khai thác cát sạn trộm, lén lút vào ban đêm vẫn còn, nhất là thời điểm từ 11 giờ đêm đến 3, 4 giờ sáng hôm sau.
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép dai dẳng gây sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa, ruộng vườn của người dân sống ven bờ sông Hương. Điều đáng nói, nhiều đối tượng tỏ ra “nhờn luật”, dù bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó vẫn tiếp tục tái phạm và hoạt động càng manh động hơn khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Trước vấn nạn này, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đoàn liên ngành chọn vị trí gần cầu Tuần- một điểm “nóng” về khai thác cát sạn để lập trạm kiểm soát 24/24 h; đồng thời, sử dụng ca nô để tuần lưu trên tuyến sông Hương trong đêm.
“Trên các đoạn sông thường xuyên được tuần lưu, kiểm tra, cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác cát sạn trái phép. Sau 3 tháng, với sự nỗ lực cao của các thành viên của mỗi tổ, đoàn liên ngành đã phát hiện và xử phạt 54 cá nhân khai thác cát sạn trái phép với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng”- ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở TN& MT- Phó đoàn công tác thông tin.
Chuyển đổi nghề nghiệp, lập bãi cộng đồng
Thực tế, tình trạng khai thác, vận chuyển cát sạn trái phép trên sông Hương đã giảm hẳn sau 3 tháng ráo riết thực hiện của lực lượng liên ngành là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vấn đề sinh kế của một bộ phận người dân sống bằng nghề này đang đặt ra cho cơ quan chức năng một bài toán nan giải. Thống kê của Phòng Cảnh sát Đường thủy, hiện trên sông Hương có khoảng 100 thuyền khai thác cát sạn có thể tích từ 8- 80m3; trong đó, đa phần là thuyền dưới 10m3 của một bộ phận người dân tái định cư ở TP. Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang… sống bằng nghề này nhiều đời nay.
Anh Ngô Văn T. (33 tuổi, trú ở Lại Tân, Phú Mậu, Phú Vang) - một người có thâm niên trong nghề khai thác cát sạn lòng sông Hương sau khi bị lực lượng chức năng bắt giữ và xử phạt hành chính cho biết, do không biết chữ nên sống bằng nghề này từ lâu. Nếu vào mỏ của doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải đóng tiền đảm bảo lần đầu lớn (quy định của chủ mỏ- PV), giá cát tại mỏ lại cao, không cạnh tranh và lợi nhuận thấp nên đã khai thác cát trái phép. Anh T. đề xuất cần có mỏ khai thác của cộng đồng để những người như anh được vào khai thác, mưu sinh.
Tương tự, anh Nguyễn A. (38 tuổi, trú khu vực 5, phường Hương Sơ, TP. Huế) sau khi bị xử phạt cho biết, ở xóm anh đã có một số người bán thuyền, chuyển qua đi phụ thợ hồ, làm việc thời vụ nhưng rất bấp bênh. “Nếu không khai thác cát sạn để kiếm sống thì gia đình tôi không biết làm gì. Mong cơ quan chức năng lập một mỏ khai thác cộng đồng hoặc hỗ trợ những người như tôi chuyển đổi nghề nghiệp”- anh A. nói.
Trung tá Lê Hồng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy (Công an tỉnh) chia sẻ, một bộ phận người dân do trình độ dân trí thấp, sống gắn với nghề khai thác cát sạn nhiều đời nay nên hễ bắt giữ, xử lý vi phạm hôm nay thì mấy hôm sau họ lại tái phạm vì miếng cơm manh áo.
Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN & MT cho biết, xử lý triệt để nạn khai thác cát sạn là nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. “Ngoài việc xử lý vi phạm, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh mở rộng mô hình khai thác cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sạn lòng sông có thu nhập chính đáng, tránh khai thác trái phép. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề là cần thiết nhằm đảm bảo người dân có thu nhập ổn định, không tham gia khai thác cát sạn trái phép. Chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP. Huế thống kê, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho các hộ có nhu cầu”- ông Hồ Đắc Trường nói.