Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bệnh đái tháo đường: cần luôn luôn nâng cao hiểu biết
Ngày cập nhật 09/07/2013

 Đái tháo đường (Đ.T.Đ) còn gọi là bệnh tiểu đường (do có đường xuất hiện trong nước tiểu) thuộc về nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, là căn bệnh không nhiễm trùng phổ biến nhất hiện nay. Đến năm 2012, thế giới có khoảng 371 triệu người mắc, Việt Nam khoảng 5 triệu người.

 Hiện nay do tác dụng của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, hiểu biết về bệnh ĐTĐ trong cộng đồng được tăng lên, nhiều người nhận thức được ĐTĐ có những biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn. Tuy nhiên, bên cạnh đó một bộ phận dân cư còn “mù mờ” về bệnh, cho nên việc cần làm là luôn phải nâng cao hiểu biết về ĐTĐ.

+ Cần nhận thức đúng về bệnh ĐTĐ hơn nữa :
Các chuyên gia y tế nghiên cứu về bệnh ĐTĐ cho rằng: ĐTĐ (chủ yếu ở typ II) là cơn sóng thần của thế kỷ 21! Việt Nam là tâm điểm của “đại dịch” ĐTĐ và được xếp vào nước có tỉ lệ bệnh tăng nhanh nhất. Vài con số chứng minh sau đây: Trong vòng 10 năm sau (từ năm 2001) theo thống kê nghiên cứu ở một số thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng) cho thấy tỉ lệ mắc ĐTĐ tăng lên 4,9% và số bệnh nhân đã tăng lên gấp 3 lần (211%)! Nhìn chung, tỉ lệ ĐTĐ tăng từ 3,7% lên 7,04%. Trước đây bệnh nhân thường gặp ở độ tuổi 50-60, hiện nay phổ biến là 40-50 tuổi, 20-30 tuổi cũng có gặp, thậm chí cả lứa tuổi thiếu niên. Như vậy tuổi của bệnh ngày càng trẻ hóa và tăng nhanh.
+ Các yếu tố làm tăng nhanh ĐTĐ :
- Về chế độ ăn uống, dinh dưỡng: Từ chỗ trước đây chúng ta ăn nhiều rau, đậu, cá thì hiện nay thức ăn có nhiều đạm, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ uống là bia, rượu, nước ngọt có gas, bánh kẹo nhiều, rau hoa quả ít, nghiện thuốc lá.
- Về chế độ vận động: Ở thành thị việc hoạt động thể lực, vận động thân thể trong một nhóm người có chiều hướng giảm sút. Ăn nhiều chất bổ dưỡng lại suốt ngày trên xe máy, ô tô, ngồi làm việc ở văn phòng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Có nhóm nghiên cứu đã cảnh báo người Việt Nam thuộc nhóm người ít vận động nhất.
- Béo phì: Là hiện tượng thừa cân so với độ tuổi (trẻ em) và chiều cao (người lớn). Biểu hiện dễ thấy là vòng bụng quá lớn (bụng phệ), “Thắt lưng càng dài, cuộc đời càng ngắn” chính là lời cảnh báo rất cần thiết.
- Stress: Thực tế trong cuộc sống thường ngày hiện tại có khá nhiều yếu tố bất lợi tác động đến mỗi người, dẫn đến gây bức xúc, lo lắng, trăn trở tác động đến hệ nội tiết chuyển hóa mất cân bằng và sinh bệnh. Nhưng mỗi người có sức đề kháng khác nhau, do đó cùng yếu tố nguy cơ, người mắc bệnh, người không.
- Tiền đái tháo đường: ở nhóm đối tượng có biểu hiện rối loạn đường huyết khi đói, kiểm tra đường huyết từ 6 mmol/l trở lên ; Phụ nữ sinh con có cân nặng thai nhi > 3,8kg; có yếu tố gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột); tăng H.A... nhóm đối tượng này đã tăng từ 7,7% lên 12,8% hiện nay.
+ Làm gì khi bị đái tháo đường ?
Nhìn chung, ĐTĐ thường được phát hiện muộn, bị bỏ sót chiếm tỉ lệ 70-80% do bệnh không có triệu chứng rõ rệt, đến khi có biểu hiện 4 nhiều (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều), nhất là khi có dấu hiệu mệt mỏi, gầy sút nhanh mới đi kiểm tra sức khỏe thì đường huyết đã tăng vọt lên, có khi kèm theo tăng H.A. Hoặc đôi khi phát hiện nước tiểu thấy kiến bu vì có đường (Glucose) xuất hiện trong nước tiểu. Cũng có nhiều trường hợp tình cờ kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đường huyết lúc đói tăng trên mức cho phép (bình thường từ 3,8-6,4 mmol/l), chủ yếu gặp ở typ II (không phụ thuộc Insulin) do suy giảm chức năng tụy nội tiết sản sinh ra Insulin.
Giai đoạn mới phát hiện bệnh, người bệnh ĐTĐ tỏ ra hết sức lo lắng hoang mang vì biết bệnh sẽ theo mình suốt đời, ăn uống quá kiêng khem, sợ sệt quá mức, mất ngũ do suy nghĩ nhiều ... dẫn đến giảm sút chất lượng sống. Phải một thời gian dài, sau khi điều trị thấy có tiến triển khả quan thì cuộc sống mới cân bằng trở lại, yên tâm với bệnh. Giai đoạn này, việc tư vấn cho người bệnh là hết sức quan trọng để giúp họ hiểu biết được bệnh, cách điều trị, phương pháp phòng ngừa biến chứng (mắt, tim mạch, thận, thần kinh, ngoài da ...), từ đó ổn định được tâm lý, không bi quan, sợ bệnh, biết “chung sống hòa bình” với bệnh.
Việc hỗ trợ chăm sóc ăn uống, dinh dưỡng, cách dùng thuốc của người trong gia đình có người mắc ĐTĐ rất quan trọng. Bản thân người bệnh cần tìm hiểu kỹ cách điều trị, chế độ ăn uống, vận động, tập luyện TDTT ... với bạn bè cùng bị ĐTĐ. Hiện nay có một số địa phương đã hình thành hội (CLB) của những người ĐTĐ để chia sẻ hoàn cảnh bệnh tật, trao đổi kinh nghiệm, nghe thầy thuốc chuyên khoa tư vấn và giải đáp những vấn đề chưa rõ sẽ giúp ích nhiều cho bản thân.
+ Điều trị ĐTĐ cần có sự phối hợp nghiêm ngặt, chặt chẽ về :
- Chế độ ăn uống: Hạn chế tinh bột, đường (Glucid), mỗi bữa chỉ nên ăn một chén cơm, tăng cường ăn thêm rau các loại. Không uống rượu, bỏ thuốc lá, hạn chế nước uống có gas. Cần có bữa phụ vào giữa buổi sáng và buổi chiều, uống sữa không đường, sữa dành cho người tiểu đường (Gluserna), ăn thêm hoa quả, đạm thực vật (các loại đậu). Không kiêng khem quá mức, chỉ cần hạn chế.
- Chế độ dùng thuốc: Phải uống thường xuyên hàng ngày (typ II), tiêm Insulin (typ I). Loại thuốc, liều lượng phải do thầy thuốc chỉ định. Thực phẩm chức năng, đông dược chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị. Trên thị trường hiện có nhiều loại khác nhau.
- Chế độ rèn luyện thân thể, vệ sinh cá nhân :
Rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường, cần tập thể dục hàng ngày, đi bộ, xe đạp, chăm sóc cây cảnh, chú ý vệ sinh thân thể, giữ gìn bàn chân bàn tay, tránh bị sây sát, mụn nhọt nhiễm trùng có thể dẫn đến loét hoại tử, lâu lành, thậm chí có nhiều trường hợp phải cắt đoạn chi.
Hiện nay, với những tiến bộ trong điều trị và xử lý biến chứng, tuy y học chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường, nhưng tình trạng bệnh được cải thiện nhiều, chất lượng cuộc sống không giảm và vẫn kéo dài tuổi thọ. Bản thân người mắc ĐTĐ hiểu rõ điều này sẽ yên tâm điều trị, làm việc, sinh hoạt bình thường và tin tưởng vào phương pháp điều trị.
+ Đôi lời cảnh báo :
Cần hiểu rõ hiện nay như đã nêu ở trên tỉ lệ tiền đái tháo đường khá cao nằm trong số đối tượng từ 40 tuổi trở lên bị béo phì, ít vận động, rượu bia nhiều, chế độ ăn nhiều đạm mỡ bột, ít rau, nghiện hút thuốc lá ... là những yếu tố thuận lợi dẫn đến tiểu đường. Đối với những người ở nhóm có nguy cơ cao như trên, cần kiểm tra thường xuyên đường huyết, huyết áp và các xét nghiệm liên quan. Khi chưa đến mức độ phải dùng thuốc, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống và theo dõi kỹ (đường huyết lúc đói < 7mmol/l).
Bệnh ĐTĐ tiến triển thầm lặng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm gây tử vong như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù mắt, suy thận mạn, cắt đoạn chi ... nhưng cần bình tĩnh yên tâm với bệnh, điều trị đúng phương pháp kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện, vệ sinh thân thể là những yêu cầu cần thiết của người bị ĐTĐ. Hiện nay các chuyên gia nội tiết khuyến cáo: Đối với người trên 40 tuổi, nên chủ động tầm soát mỗi năm 2 lần để phát hiện sớm ĐTĐ.

 

Hương Thanh Trà ( Theo Trang TTĐT Thành Phố Huế)
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 237