|
|
| | |
|
Hướng đến nền hành chính điện tử Ngày cập nhật 05/04/2014 (TTH) - Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), hướng đến xây dựng nền hành chính điện tử, thời gian qua, UBND tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng điện tử thông suốt và thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Hạ tầng thông suốt
Hạ tầng CNTT tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng như các huyện, thị xã và thành phố được trang bị khá hoàn thiện. Qua kết quả đánh giá chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước năm 2013, với các tiêu chí đặt ra cho lĩnh vực này là số lượng máy tính của đơn vị, số máy tính được kết nối băng thông rộng, hệ thống các thiết bị mạng, dung lượng đường truyền, hệ thống an ninh-an toàn thông tin… đều đạt mức khá tốt. Tỷ lệ kết nối mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN), mạng internet đều đạt trên 95%. Hầu hết các đơn vị đều được trang bị đầy đủ các thiết bị mạng. Chất lượng hạ tầng tại các đơn vị khá đồng đều.
Đào tạo công nghệ thông tin
Một số đơn vị chú trọng đầu tư hệ thống máy chủ nhằm phục vụ công tác chuyên môn, như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh. Hệ thống an ninh thông tin cũng được quan tâm trang cấp khá đầy đủ, tăng cường đầu tư hệ thống sao lưu cũng như trang cấp thêm các phần mềm diệt virut có bản quyền nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống hạ tầng thông suốt. Tốc độ đường truyền internet cũng được chú trọng đầu tư với tốc độ trung bình từ 35Mbps, một số đơn vị đã đưa cáp quang vào sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống mạng WAN đã được kết nối thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã và đưa vào sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá: “Những năm qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cấp ngành triển khai xây dựng hạ tầng CNTT của tỉnh theo hướng tập trung và đồng bộ tại Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử tỉnh. Việc tập trung hạ tầng và cơ sở dữ liệu đã phát huy tác dụng lớn trong việc tiết kiệm kinh phí đầu tư cũng như khả năng quản lý, chia sẻ phần mềm, cơ sở dữ liệu toàn tỉnh. Việc giám sát quản trị và vận hành hệ thống mạng WAN, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống GISHue, hệ thống các website, các phần mềm ứng dụng của sở, ngành và các đơn vị trên địa bàn đảm bảo thông suốt, an toàn”.
UBND tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực CNTT cho cán bộ công viên chức trên toàn tỉnh. Năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo các chuyên đề về khai thác, vận hành, ứng dụng sản phẩm GISHue, bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm thử hệ thống nhằm nâng cao kiến thức trong công việc quản lý, điều hành hệ thống mạng máy tính tại đơn vị cũng đã được tổ chức cho toàn bộ đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trên địa bàn tỉnh. Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm CNTT và TT tổ chức 06 lớp đào tạo chứng chỉ A Tin học và lớp kỹ năng làm việc trên mạng cho hơn 150 cán bộ tại 4 huyện Nam Đông, Phú Vang, Quảng Điền và A Lưới.
“Cú hích” ứng dụng CNTT
Hạ tầng thông suốt, đội ngũ nhân lực có chất lượng tạo sẽ là điều kiện thuận lợi tạo nên “cú hích” cho ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. Với mục tiêu được đặt ra là các văn bản, giấy mời đều phải phát hành qua mạng, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách để đưa 5 phần mềm dùng chung vào công tác điều hành nhằm nâng cao chất lượng và thời gian công tác tham mưu xử lý công việc từ chuyên viên đến lãnh đạo. Từ đó, giảm giấy tờ, thời gian và tăng cường chia sẻ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước quản lý. Từ ngày 1/10/2013, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế hoàn toàn sử dụng giấy mời và đăng ký lịch họp qua mạng thông qua phần mềm đăng ký lịch họp và phát hành giấy mời qua mạng. Đối với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc được nâng cấp và sử dụng tại tất cả các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh từ năm 2014.
Dịch vụ công trực tuyến cũng được UBND tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện, toàn tỉnh có 2.841 dịch vụ công trực tuyến; trong đó, có 1.735 dịch vụ hành chính công đạt ở mức độ 1; 1.009 dịch vụ ở mức độ 2 và 70 dịch vụ đạt được mức độ 3. Theo lộ trình về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh, trong năm 2014 phấn đấu có 162 dịch vụ công ở mức độ 3 và 03 dịch vụ công ở mức độ 4.
Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương được vận hành tốt và phát huy hiệu quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành của các đơn vị. Điều đáng chú ý trong năm 2013 là một số đơn vị cấp phường, xã đã tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng trang thông tin điện tử như UBND phường Phú Hội, Thủy Biều (TP Huế), UBND xã Phong Hải (Phong Điền) và UBND xã Vinh Hà (Phú Vang)...
H. Anh (theo Minh Hằng. TT.Huế) Các tin khác
| |
|
| Thống kê truy cập Tổng truy cập 2.093.028 Truy cập hiện tại 96
|
|