Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh cải cách tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Ngày cập nhật 23/07/2014

Để các quy định của Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống, bảo đảm tính thượng tôn Hiến pháp, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, một nhiệm vụ lớn và trọng tâm lúc này là căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp cho phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới và các định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 - những kết quả và hạn chế chủ yếu sau 8 năm thực hiện 

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được ban hành phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Cùng với việc Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) xác lập nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, cải cách tư pháp được triển khai từng bước đồng bộ với cải cách pháp luật và cải cách hành chính(1) nhằm đổi mới tổng thể bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền, thúc đẩy đổi mới chính trị theo kịp và đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của đổi mới kinh tế. 

Mục tiêu cải cách tư pháp thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó cải cách tòa án và hoạt động xét xử là trung tâm của cải cách tư pháp với khâu đột phá là mở rộng tranh tụng dân chủ trong xét xử. 

Để đạt mục tiêu đó, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra 5 phương hướng và 7 nhóm giải pháp, tập trung vào cải cách pháp luật nội dung (hình sự, dân sự, hành chính,...) và pháp luật tố tụng; cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của công luận, của nhân dân và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp. 

Sau hơn 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chúng ta đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng như sau:

Thứ nhất, tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp được định hình theo hướng tiếp thu nhiều giá trị phổ biến của nền tư pháp dân chủ trong nhà nước pháp quyền hiện đại. 

Pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp đã được hoàn thiện một bước(2) theo các mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, như tăng tính hướng thiện, nhân đạo trong chính sách hình sự; hình thành các cơ chế, thiết chế pháp lý dân sự - kinh tế, thương mại phù hợp hơn và đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp luật tố tụng tư pháp bước đầu được đổi mới theo hướng kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng nhằm tăng tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động tư pháp, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận công lý thuận lợi hơn.

Tổ chức và hoạt động của tòa án và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện quyền tư pháp (điều tra, kiểm sát, thi hành án, luật sư, giám định tư pháp,...) đã được cải cách từng bước theo hướng tuân thủ tốt hơn các nguyên tắc phổ biến của nền tư pháp dân chủ trong nhà nước pháp quyền, như nguyên tắc tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử; nguyên tắc độc lập xét xử; nguyên tắc xét xử công khai... và các nguyên tắc đặc thù trong từng loại tố tụng tư pháp, như nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; nguyên tắc suy đoán vô tội (trong tố tụng hình sự); nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (trong tố tụng dân sự).

Tòa án Nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án về tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào địa giới đơn vị hành chính, với mô hình 4 cấp tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức theo hướng phù hợp với tổ chức tòa án nhân dân; tổ chức các cơ quan điều tra bước đầu được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối; hoạt động thi hành án hình sự, dân sự và hành chính được nâng cấp điều chỉnh bằng luật và thống nhất tổ chức theo ngành dọc: Bộ Công an thống nhất quản lý thi hành án hình sự và Bộ Tư pháp thống nhất quản lý thi hành án dân sự, hành chính.

Tổ chức và hoạt động của các thiết chế bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp,…) ngày càng hoàn thiện, phát triển cả về số lượng và chất lượng; chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp (công chứng, giám định, thi hành án,...) được triển khai mạnh mẽ và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân(3); chế định thừa phát lại đã thí điểm thành công bước đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và đang được mở rộng thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Việc xây dựng, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp đạt được kết quả bước đầu theo yêu cầu của cải cách tư pháp; công tác đào tạo luật, đào tạo nghề các chức danh tư pháp được đẩy mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật; Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị làm việc, phương tiện kỹ thuật,...) của các cơ quan tòa án, kiểm sát, điều tra, thi hành án hình sự và án dân sự đều có bước cải thiện rõ rệt theo hướng hiện đại hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. 

Thứ hai, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, việc giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được hoàn thiện từng bước trong quá trình cải cách tư pháp, phù hợp với đặc thù của hệ thống chính trị nước ta.

Bằng việc ban hành Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các chương trình 5 năm và kế hoạch hằng năm của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để triển khai thực hiện Chiến lược, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động tư pháp đã có bước đổi mới quan trọng, tập trung hơn vào hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, giải pháp chính trị nhằm thực hiện các mục tiêu cải cách; lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ trong các cơ quan tư pháp, đặc biệt là bố trí các đồng chí cấp ủy có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, uy tín và bản lĩnh làm chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; củng cố các cơ quan tham mưu của Đảng về công tác nội chính; tăng cường công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách đảng viên.

Hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp đi vào thực chất hơn và nâng cao dần hiệu quả. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được thành lập từ Quốc hội khóa XII đã thực hiện việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức và hoạt động tư pháp bảo đảm theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, tiến hành hoạt động giám sát chuyên đề về thực hiện một số nội dung cải cách tư pháp; hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động tư pháp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, vừa trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về tư pháp, vừa thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần nâng cao hiểu biết và năng lực tiếp cận tư pháp của nhân dân.

Những kết quả cải cách cụ thể như trên đã hỗ trợ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt, giam giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ và công bằng hơn. Các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, các chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, việc triển khai cải cách tư pháp vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, như:

- Việc triển khai nhiều nhiệm vụ, đề án cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp, kể cả một số đề án cải cách trọng tâm (tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, mô hình tố tụng hình sự, tố tụng dân sự,...), còn chậm về tiến độ, thiếu đồng bộ, chưa đạt được sự đồng thuận cao.

- Một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án và tố tụng tư pháp chưa thật rõ về nội hàm và còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực thi hiệu quả, như nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử; riêng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử chưa được thể chế hóa nên trên thực tế hiệu quả còn hạn chế, chưa trở thành khâu đột phá của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

- Chất lượng hoạt động của cơ quan tư pháp còn bất cập, án tồn đọng, án oan sai chưa được khắc phục triệt để; đội ngũ cán bộ tư pháp, các chức danh tư pháp, trước tiên là thẩm phán, còn thiếu cả về số lượng, một bộ phận yếu về trình độ, năng lực, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp; cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp còn thiếu, chưa hiệu quả, hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ trong khi thực hiện quyền tư pháp bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự vẫn còn xảy ra, dẫn đến cải cách tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, làm cho mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức chưa được thực hiện đúng đắn, đầy đủ, làm giảm sự tin tưởng của người dân vào chính các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Những hạn chế, bất cập nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tư pháp chưa nhận thức đầy đủ, nhất quán về mục đích, yêu cầu, trách nhiệm thực hiện cải cách tư pháp và quyết tâm chưa cao, hoặc phần nào chưa vượt qua được những thói quen, lợi ích cục bộ; chậm nghiên cứu lý luận về các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa cơ quan tư pháp với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên nhiều vấn đề của cải cách tư pháp vẫn chỉ mới được giải quyết ở cấp độ tình thế, thiếu nền tảng chính trị - pháp lý - xã hội vững chắc.

Hiến pháp năm 2013 - những điểm mới về quyền tư pháp, nguyên tắc thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp

Là đạo luật cơ bản của đất nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, Hiến pháp năm 2013 phản ánh một cách biện chứng những bước tiến trong nhận thức lý luận và kết quả thực tiễn của quá trình cải cách bộ máy nhà nước, dân chủ hóa đời sống chính trị - pháp lý nói chung, của công cuộc cải cách tư pháp đầy khó khăn, thách thức nói riêng trong suốt những năm qua ở nước ta. 

Cùng với việc hiến định nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước với đủ ba yếu tố phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên kể từ sau Hiến pháp năm 1946, đã xác định (phân công) rành mạch: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, cũng lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 khẳng định sứ mệnh cao quý, riêng có của tòa án - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, đó là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 102). Với các quy định này, về mặt lý luận và thực tiễn, cần có sự nhận thức lại cho chuẩn xác hơn và xác định lại cho hợp lý hơn vị trí, chức năng của các cơ quan từ trước đến nay vẫn được gọi chung là các cơ quan tư pháp (điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án) trong mối quan hệ với tòa án khi thực hiện quyền lực nhà nước nói chung, quyền tư pháp nói riêng. 

Hiến pháp năm 2013 đã dành riêng Điều 103 để quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án. Cả 7 khoản của Điều này đều có những nội dung mới, mang tính đột phá. Những nguyên tắc nền tảng đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây nay được bổ sung, phát triển phù hợp với các định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chẳng hạn, nguyên tắc độc lập xét xử được bổ sung quy định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” (khoản 2, Điều 103). Điều này gợi nhớ đến quy định của Hiến pháp năm 1946: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69). Nguyên tắc xét xử công khai được bổ sung bằng quy định: trong những trường hợp đặc biệt, để “giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” thì tòa án có thể xét xử kín (khoản 3, Điều 103), nhưng việc tuyên án vẫn phải được công khai (khoản 2, Điều 31). Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số được bổ sung một quy định mang tính ngoại lệ: “trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 4, Điều 103); quy định này tạo cơ sở cho các luật, bộ luật tố tụng quy định cụ thể về thủ tục rút gọn - vốn là một vấn đề thực tiễn rất cấp thiết và là một chủ trương của Chiến lược cải cách tư pháp nhưng chưa được giải quyết thấu đáo do thiếu cơ sở hiến định. Nguyên tắc tham gia xét xử của hội thẩm cũng có những điều chỉnh quan trọng, theo đó, đại diện nhân dân tham gia xét xử được gọi chung là hội thẩm (thay vì quy định tách bạch hội thẩm nhân dân và hội thẩm quân nhân như trong các bản Hiến pháp năm 1992, 1980); hội thẩm chỉ tham gia việc xét xử sơ thẩm nhưng có loại trừ “trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 1, Điều 103); mặt khác, Hiến pháp không còn quy định “Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán” như các bản Hiến pháp năm 1992, 1980 và 1959, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu đổi mới cơ bản chế định đại diện nhân dân tham gia việc xét xử theo hướng thực chất, hiệu quả hơn. 

Hiến pháp năm 2013 đồng thời tạo cơ sở hiến định cho các khâu đột phá của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về tổ chức và hoạt động xét xử của tòa án bằng việc bổ sung những nguyên tắc mới chưa được quy định trong các bản Hiến pháp trước, đó là nguyên tắc hai cấp xét xử: “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” (khoản 6, Điều 103) và nguyên tắc tranh tụng: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5, Điều 103). Quan trọng hơn, để bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng, Hiến pháp năm 2013 đã hoàn thiện đáng kể quy định về quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các quá trình tố tụng. Khoản 7, Điều 103 quy định “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Quy định này vừa là sự ghi nhận quyền con người phải được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trong tố tụng tư pháp, vừa là một phương thức bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Không chỉ thế, quyền bào chữa và phương thức thực hiện quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng hình sự còn được quy định rõ, cụ thể tại khoản 4, Điều 31: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Cùng với nguyên tắc tranh tụng và quyền bào chữa của bị can, bị cáo được xác lập, mở rộng (từ khi bị bắt cho dù chưa có lệnh khởi tố), nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng chuẩn xác hơn, minh bạch và pháp quyền hơn bằng các quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực” (khoản 1, Điều 31); người bị buộc tội “phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai” (khoản 2, Điều 31). Quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, được phục hồi danh dự do hành vi trái pháp luật của những cơ quan và người tiến hành tố tụng cũng được quy định cụ thể và mở rộng phạm vi đến người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và trong tất cả các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (khoản 5, Điều 31).

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với việc đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Với những điểm mới, quan trọng về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp gắn liền với bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp, theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, từ nay đến năm 2016, một loạt các luật, bộ luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của tòa án và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp sẽ được sửa đổi một cách toàn diện hoặc ban hành mới, như các luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra; các bộ luật rường cột của hệ thống pháp luật - Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các luật, bộ luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; các luật liên quan trực tiếp đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp: Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý,... 

Việc hoàn thiện chính sách trong các luật nói trên phải thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn những chủ trương, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của việc thực hiện quyền tư pháp đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Chẳng hạn, việc hoàn thiện pháp luật hình sự phải hướng tới nâng cao tính nhân đạo, hướng thiện và bảo vệ quyền con người trong việc xử lý người phạm tội, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong điều kiện kinh tế - xã hội mới (hạn chế hơn nữa hình phạt tử hình và việc áp dụng hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, mở rộng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm); quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; mặt khác, phải khắc phục triệt để tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, coi đó là một cam kết chính trị của Nhà nước, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2014”, để cải cách tư pháp phải thật sự là nhân tố đồng hành, thúc đẩy và bảo vệ tin cậy sự phát triển kinh tế - xã hội. Để hiện thực hóa quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” của Hiến pháp năm 2013, cần bổ sung và cụ thể hóa nguyên tắc đó vào các luật, bộ luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và các luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra thông qua các quy định về trách nhiệm pháp lý và quy trình, thủ tục buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm việc tranh tụng dân chủ, công khai trong mọi giai đoạn của quá trình thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời phải sớm ban hành bổ sung những chính sách pháp luật có tính đột phá nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội cho việc tạo sự phát triển bứt phá về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư, trợ giúp pháp lý để hỗ trợ bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bào chữa và các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; phát huy vai trò của các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam trong việc huy động, khuyến khích các luật sư, luật gia nâng cao trách nhiệm xã hội, tham gia bào chữa, trợ giúp pháp lý tự nguyện cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, yếu thế trong xã hội để họ cũng được bảo vệ, được xét xử công bằng, phấn đấu rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý và được bào chữa khi xét xử về hình sự, bảo đảm công lý, công bằng xã hội.

Trong mọi cuộc cải cách, việc thành bại đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Những hạn chế trong quãng đường hơn 8 năm cải cách tư pháp vừa qua cũng có nguyên nhân chính là từ sự bất cập về nhận thức, năng lực chuyên môn, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ các chức danh tư pháp, như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư,… Chính vì vậy, để thực hiện được đúng đắn các nguyên tắc hiến định là “độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật” và “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” - các nguyên tắc nền tảng của thực hiện quyền tư pháp và cũng là những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, trong thời gian tới, phải có những đổi mới cơ bản trong thể chế và cơ chế thực hiện ở tất cả các khâu đào tạo nghề, tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng tiến nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh tư pháp, đặc biệt là thẩm phán - nhân vật trung tâm thực hiện quyền tư pháp, cùng hai chức danh tranh tụng - kiểm sát viên giữ quyền công tố và luật sư. Pháp lệnh về đào tạo một số chức danh tư pháp đang được soạn thảo sẽ thể chế hóa chủ trương đào tạo chung ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, tạo cơ sở cho việc mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp mà còn là các luật sư, luật gia đã được đào tạo nghề theo đúng định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây cũng là một cơ sở để thực hiện việc chuyển từ cơ chế tuyển chọn sang cơ chế thi tuyển quốc gia để chọn người bổ nhiệm vào chức danh thẩm phán; những người trúng tuyển ở kỳ thi này và có đủ điều kiện luật định sẽ được Chủ tịch nước xem xét và ra quyết định bổ nhiệm làm thẩm phán, trở thành thẩm phán quốc gia, không phụ thuộc vào địa phương nơi họ được xét tuyển để bổ nhiệm như hiện nay. 

Cùng với việc đổi mới tổ chức hệ thống tòa án theo nguyên tắc hai cấp xét xử, phải hết sức quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản lý hành chính tòa án, bảo đảm sự độc lập giữa các cấp tòa án, vì đây chính là vấn đề quan trọng nhất trong thực hiện quyền tư pháp hiện đang được dư luận quan tâm trong Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Những đổi mới về quản lý hành chính tòa án, đào tạo, thi tuyển, bổ nhiệm thẩm phán nói trên phải được triển khai đồng bộ với việc đổi mới các chính sách, chế độ khác, như tăng thời hạn bổ nhiệm thẩm phán, tiến tới chế độ bổ nhiệm thẩm phán không kỳ hạn, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù nghề nghiệp thẩm phán, cũng như việc xây dựng Bộ quy tắc đạo đức nghề thẩm phán làm cơ sở cho việc khen thưởng, kỷ luật thẩm phán một cách rõ ràng, khách quan và minh bạch, xây dựng cơ chế pháp lý bảo vệ sự an toàn về tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thẩm phán trong khi thi hành nhiệm vụ - tất cả những giải pháp đó sẽ là bảo đảm quan trọng cho việc thực thi một nền tư pháp độc lập, trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, như mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra./.

----------------------------------------------


(1) Chương trình tổng thể Cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 và Chiến lược Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

(2) Theo báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã có 63 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

(3) Tính đến tháng 9-2013, có hơn 7.072 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư; về trợ giúp pháp lý, có 1.063 người trong biên chế, trong đó khoảng 80% - 90% số người có trình độ cử nhân luật; 370 trợ giúp viên pháp lý; 9.190 cộng tác viên trợ giúp pháp lý; 675 phòng/văn phòng công chứng, trong đó có 536 văn phòng công chứng và 139 phòng công chứng.

 

Hà Hùng Cường

PGS, TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp

    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 733