|
Lễ khai mạc năm du lịch quốc gia Huế 2012 |
Với chủ đề “Du lịch di sản”, Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với hơn 30 chương trình, hoạt động được diễn ra rải đều trong năm (10 hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, 10 chương trình mang tầm quốc gia và quốc tế do tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện và hơn 10 chương trình, hoạt động được các tỉnh, thành phố khác tổ chức) đã khép lại tại đêm bế mạc tối nay (15/12).
Hiệu quả phát triển du lịch từ liên kết vùng
Trước một thách thức vô cùng khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, dẫn đến tiêu chí, chi tiêu trong du lịch toàn cầu có sự thay đổi lớn, trong đó du lịch di sản, sinh thái được xem là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Do vậy, với vai trò là người “cầm trịch”, ngay từ năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tháo gở khó khăn cho năm 2012 bằng việc tổ chức Năm du lịch quốc gia để kích cầu cho vùng đất di sản Bắc miền Trung và Thừa Thiên Huế được chọn là đơn vị đăng cai được xem như là bài toán kích cầu du lịch tối ưu và góp phần hóa giải sự rời rạc trong liên kết du lịch của miền Trung.
Từ định hướng đó của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh Bắc miền Trung đã tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, cảnh quan đô thị được chỉnh trang, nhiều di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị, môi trường du lịch hấp dẫn và thân thiện hơn, các chương trình xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngoài các sản phẩm đặc trưng riêng của vùng Bắc Trung Bộ - nơi tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới, di tích cấp quốc gia, lễ hội đặc sắc và lợi thế biển, đầm phá… Các tỉnh trong khu vực đã xây dựng, khai thác được một số sản phẩm du lịch mới được du khách đón nhận, trong đó các tuyến du lịch phát huy sâu giá trị di sản, kết nối các kinh đô cổ Việt Nam trên con đường di sản miền Trung như Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Phượng Hoàng Trung Đô, Cố đô Huế được chú trọng. Cũng chính từ đó, tạo thuận lợi cho các hãng lữ hành, du lịch kết nối trong thiết kế tua tuyến.
Đối với Thừa Thiên Huế, các chương trình đều tập trung khai thác thế mạnh lễ hội và du lịch biển mà điểm nhấn là Festival Huế 2012 diễn ra từ ngày 07/4-15/4/2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” với hàng loạt các chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch đặc sắc, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế và được đánh giá là một Festival: “truyền thống, hiện đại, hoành tráng, ấn tượng, an toàn và đầy tính nhân văn”. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chương trình Năm Du lịch quốc gia Duyên hải bắc Trung bộ Huế 2012.
|
Festival Huế 2012 - điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012
|
Theo TS Phan Tiến Dũng, Giám đốc sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế: Cùng với những hoạt động lớn diễn ra tại Thừa Thiên Huế, hơn 10 chương trình, hoạt động được các tỉnh thành trong khu vực miền Trung tổ chức như lễ hội Cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình; lễ đón nhận danh hiệu di sản thế giới của Thành nhà Hồ, lễ hội Lam Kinh ở Thanh Hóa; lễ hội Làng Sen ở Nghệ An; lễ hội bài ca Đồng Lộc anh hùng và các hoạt động kỷ niệm 247 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du ở Hà Tỉnh; tháng du lịch khám phá hang động Việt Nam tại Quảng Bình; lễ hội văn hóa, du lịch “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ 3 ở Quảng Trị; cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2012 ở Đà Nẵng; lễ hội đêm phố cổ Hội An ở Quảng Nam… đã góp phần sâu chuỗi sự kiện du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực miền Trung.
Ông Dũng cũng cho biết thêm: Nhờ sự tăng cường phối hợp liên kết giữa các địa phương trong khu vực cũng như việc tập trung khai thác các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng Bắc Trung bộ nên lượng khách du lịch trong năm 2012 đến 6 tỉnh Bắc Trung bộ đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng gần 12% (năm 2011 là 8,6 triệu lượt khách). Tổng doanh thu từ du lịch theo đó cũng tăng trưởng gần 20% so với năm 2011. Một điều đặc biệt minh chứng sự liên kết phát triển du lịch là trong năm 2012 có khoảng 30% khách du lịch đến các tỉnh Bắc Trung bộ là nằm trong tua tuyến khách chung.
Xã hội hóa và tính cộng đồng được đề cao
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong Năm du lịch quốc gia đã được các tỉnh Bắc Trung bộ đẩy mạnh, huy động nhiều nguồn lực xã hội trong việc chung tay tổ chức các hoạt động và phát triển các chương trình với hơn 70 tỷ đồng tài trợ ngoài ngân sách. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động tài trợ gần 23 tỷ đồng, nhờ vậy nhiều chương trình trong Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia thay vì ngân sách phải bỏ tiền thực hiện thì được các doanh nghiệp tài trợ tổ chức, hoặc tài trợ một phần.
Các hoạt động lễ hội trong Năm du lịch cũng tập trung hướng về cộng đồng, hướng về xã hội; các tua tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để người dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi được mở rộng. Ngoài ra, một số lễ hội cộng đồng như: Lễ hội Phật Đản, lễ hội Điện Huệ Nam, chuỗi các hoạt động du lịch biển "Sóng nước Tam Giang", "Thuận An biển gọi" và Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới"; các sản phẩm du lịch đặc trưng truyền thống như: du lịch cộng đồng ở cầu ngói Thanh Toàn, làng cổ Phước Tích, nhà vườn Phú Mộng - Kim Long tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng nên đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Huế.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế cho rằng, điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia là Festival Huế 2012 thật sự thành công khi Ban tổ chức đưa vào rất nhiều chương trình rất đặc sắc phục vụ cộng đồng và tạo điều kiện để cộng đồng, người dân tham gia vào các lễ hội, để họ thật sự là chủ thể của các lễ hội.
Khi nói về công tác xã hội hóa trong tổ chức lễ hội du lịch ở Huế, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá là “năng động, hiệu quả và rất đáng được các địa phương khác học hỏi”.
Cần một “nhạc trưởng” là Tổng Cục du lịch
Tại các hội nghị bàn về liên kết vùng trong phát triển du lịch của các tỉnh duyên hải miền Trung, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng các địa phương đang làm du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm mà không có sự gắn kết khiến cho du lịch khu vực này phát triển một cách lỏng lẻo, thiếu hệ thống, không hỗ trợ được cho nhau khi cần thiết và sản phẩm trùng lắp nhau... Các chính sách phát triển du lịch của các địa phương chưa thực sự hợp lý, thiếu một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động phát triển trong vùng.
Theo ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 là bài học của sự liên kết trong phát triển du lịch vùng. Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải nhìn nhận ra một số hạn chế trong liên kết vùng là chưa thể hiện rõ được chủ thể liên kết để phát huy giá trị to lớn của vùng di sản miền Trung. Ông Ngô Hòa kiến nghị hơn ai hết Tổng Cục Du lịch phải thể hiện vai trò chủ thể trong liên kết phát triển du lịch vùng chứ không thể giao cho 1 tỉnh nào, thành phố nào làm được. Chỉ có Tổng Cục du lịch mới có thể làm được vai trò nhạc trưởng để điều phối, huy động, thống nhất, sâu chuỗi liên kết toàn diện trong phát triển du lịch vùng.
Nâng tầm thương hiệu du lịch Huế và miền Trung
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 cho rằng: các hoạt động trong Năm du lịch đã được tổ chức thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng, du khách và bạn bè quốc tế. Không chỉ ở Thừa Thiên Huế, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và một số tỉnh, thành phố cũng đã có những hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn. Năm 2012 tỉnh Thừa Thiên Huế đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu du khách quốc tế; khách lưu trú đạt 1,75 triệu lượt với hơn 800 nghìn khách nước ngoài, doanh thu xã hội từ du lịch tăng 25% so với cùng kỳ, dịch vụ du lịch đóng góp 48% vào GDP địa phương. Đó là hiệu quả thiết thực từ năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ mang lại, ông Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh.
Năm du lịch quốc gia đã thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, sự phối kết hợp giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ để tạo ra nguồn lực tổng hợp, phát huy lợi thế so sánh, kinh nghiệm của từng địa phương để hình thành các sản phẩm liên vùng có lợi thế cạnh tranh cao, nâng tầm thương hiệu vùng đất di sản, du lịch của cả nước và là điểm đến hấp dẫn của khu vực và quốc tế.../.