Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tiểu sử nhân vật lịch sử và địa danh gắn liền với tên đường tại phường Thủy Biều.
Ngày cập nhật 18/05/2012
Một con đường vừa mới được đặt tên

Ngày 17 tháng 3 năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 16a/2011/NQ-HĐND về việc đặt tên đường ở thành phố Huế đợt VI. Đợt đặt tên đường này phường Thủy Biều có 6 tuyến đường được đặt tên gồm Long Thọ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thanh Nghị, Thân Văn Nhiếp, Đặng Đức Tuấn. Để người dân và bạn đọc hiểu thêm về các danh nhân và địa danh được đặt tên đường, Ban biên tập đăng tải tóm tắt tiểu sử nhân vật lịch sử và địa danh gắn với tên đường của 6 tuyến đường mới được đặt tên và 3 tuyến đường đã được đặt tên trước đó là Ngô Hà, Bùi Thị Xuân và Huyền Trân Công Chúa.

 

 

Đường Thanh Nghị.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: đường Bùi Thị Xuân

Điểm cuối: Ngã ba thôn TrungThượng

Chiều dài: 500 mét

2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường:

Thanh Nghị (1917-1988): tên thật là Hoàng Trọng Qụy, quê phường Thuỷ Biều, thành phố Huế. Chưa học xong bậc trung học ở Huế, mới 16 tuổi vào Sài gòn vừa dạy học kiếm sống vừa học qua sách báo. Ông tham gia viết nhiều sách, báo, lập nhà in riêng chuyên soạn từ điển. Trong khoảng thời gian 1950-1960, ông cho phát hành nhiều loại tự điển, như Việt Nam tân tự điển minh hoạ, Pháp Việt tân tự điển minh hoạ, Anh việt tự điển, Việt Anh tự điển, Việt Pháp tự điển... Năm 1960, ông bị chính quyền bắt giam, tịch thu hết sách vở. Năm 1963, ông tham gia phong trào Phật giáo chống chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô. Năm 1965 lại bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Năm 1968, ông thoát ly ra vùng kháng chiến, làm Phó Tổng thư ký Liên Minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, bị chính quyền Sài Gòn kết án “tử hình vắng mặt” và tịch thu gia sản. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra đời, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin-Văn hoá. Sau 1975, ông giữ chức uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

 


 

Đường Đặng Đức Tuấn.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: đường Ngô Hà

Điểm cuối: Ngã 3 đập TrungThượng

Chiều dài: 300 mét

2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường: 

Đặng Đức Tuấn (1806-1874): quê ở Gia Hựu, huyện Bồng Nhơn, tỉnh Bình Định, là tu sĩ công giáo yêu nước, có tư tưởng canh tân tiêu biểu nửa cuối thế kỷ XIX. Ông từng giúp triều đình nhà Nguyễn (thời Tự Đức) trong việc bang giao với Pháp. Khi sứ bộ Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, ông là thành viên của sứ bộ trông coi việc phiên dịch. Ông được người đương thời đánh giá là người học rộng, giao du nhiều, giàu lòng yêu nước. Ông từng dâng biểu xin triều đình quan tâm đến việc canh tân đất nước để chống lại các thế lực bên ngoài. Ông đã để lại một số tác phẩm như: Việt Nam giáo sử diễn ca; Lâm nạn phùng quốc hành; Kim thạch giải sầu ca; Cách ngôn liên bích…Ngoài các thơ ca yêu nước, Đặng Đức Tuấn có viết và gửi lên triều đình các bản điều trần: Hoàng mao hiến bình Tây sách (Hiến kế sách dẹp giặc Tây của một kẻ sĩ ở nhà tranh), Minh đạo bình Tây sách (Làm sáng rõ đạo, dẹp yên giặc Tây). 

 


 

Đường Thân Văn Nhiếp.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: đường Bùi Thị Xuân

Điểm cuối: Trường Lương Quán

Chiều dài: 1050 mét

2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường:

Thân Văn Nhiếp (1804 - 1872): Tự Ngưng Chi, hiệu Lỗ Đình, sinh ngày 28 tháng 9 năm Giáp Tý (31/01/1804) tại làng Nguyệt Biều, con ông Thân Văn Quyền và bà Hoàng Thị Vút. Ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương khoa Tân Sửu (1841), năm 1844 đi hậu bổ Khánh Hòa rồi thăng tri huyện Tân Định. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1847) trong dịp Nguyễn Phúc Hồng Nhậm đăng quang, ông chọn đề xuất niên hiệu Tự Đức, vua thuận theo. Năm 1850 thăng hàm thị độc, thừa biện bộ Lại, đốc học Gia Định. Năm 1854 sung biện lý bộ Lễ, phụ trách sửa sang bửu thành lăng vua Minh Mạng, phụ trách chỉnh lý Thế Miếu, 1855 giúp việc trong lễ tế giao. Năm 1856 thăng Bố chính tỉnh Quảng Nam. Bấy giờ nhân dân sở tại gặp cảnh đói kém, ông xin vua xuất lúa và tiền trợ cấp, lại lạc quyên được hơn hai vạn quan tiền, một vạn hộc lúa phát cho dân nghèo, xin giảm thuế vàng cho dân Bồng Miêu. Năm 1858 tàu Pháp đến Đà Nẵng khiêu khích, tấn công An Hải, Điện Hải, ông bị cách chức. Đến năm 1859 Quảng Nam gặp kỳ đại hạn, ông lại tổ chức lạc quyên được 15 vạn quan tiền và 25 vạn hộc gạo, lại xin phát 3 vạn hộc gạo của triều đình để giúp đỡ dân nghèo vượt qua cơn hoạn nạn. Năm 1863 ông dâng sớ cấm nha phiến đến ba lần nhưng vua không nghe theo, lại dâng sớ khuyên vua chăm lo tự cường, tự trị và chống ngoại xâm. Đặc biệt ông dám dâng sớ lên vua Tự Đức phê phán việc xây Khiêm Cung làm hao tốn công quỹ. Năm 1869 thăng tổng đốc Bình Phú. Ngày 9 tháng 1 năm Nhâm Thìn (9/12/1872) ông mất tại nơi làm việc, vua cho di quan về táng tại quê nhà.

 


 

 

Đường Long Thọ.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: đường Bùi Thị Xuân (Đầu cầu Long Thọ)

Điểm cuối: Mỏ đá Long Thọ

Chiều dài: 650 mét

2. Địa danh gắn liền với con đường:

Long Thọ là địa danh thuộc làng Nguyệt Biều, nay thuộc phường Thuỷ Biều thành phố Huế, tại đây có đồi Long Thọ, trên đồi có dựng đình, nơi quàn quan tài các chúa Nguyễn Phúc Thái (1691), Nguyễn Phúc Chu (1725), Nguyễn Phúc Khoát (1765). Đến thời Gia Long đổi tên là Long Thọ Cương, dựng đình bát giác và dựng bia đá ghi sự tích. Vào đầu thời Gia Long, triều đình mở lò gạch tráng men sản xuất các vật liệu xây dựng kinh thành Phú Xuân - Huế. Đến năm 1896 nhà tư sản Bogaert đầu tư xây dựng nhà máy vôi Long Thọ sản xuất vôi thuỷ, xi măng, đồ sành sứ, gốm gạch ca rô. Nơi đây, vào những năm 1929-1930 đã thành lập  chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên Huế.    

 


 

Đường Lương Quán.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: đường Bùi Thị Xuân

Điểm cuối: Ngã ba Lương Quán- TrungThượng

Chiều dài: 1002 mét

2. Địa danh gắn liền với con đường:

Làng Lương Quán thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà lập thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII), đến năm Minh Mạng 16 (1835) thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, từ năm 1981 thuộc xã Thuỷ Biều (nay là phường Thủy Biều, thành phố Huế). Từ năm 1746 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát nơi đây có cơ sở đúc tiền kẽm của xứ Đàng Trong, năm 1757 dựng xong phủ đệ của Huấn Vũ hầu Nguyễn Phúc Thử (1699-1763) còn gọi là phủ Lương Quán, nay vẫn còn dấu tích. Ngoài ra theo tác giả Thái Văn Kiểm thì Văn miếu cũng đã từng được dựng nơi dây từ 1766 đến 1770. Làng Lương Quán là vùng đất có cây đặc sản thanh trà ngon nhất tỉnh và cảnh quan môi trường đẹp chạy dọc theo dòng sông Hương thơ mộng.

 


 

 

Đường Nguyệt Biều.

 

1. Vị trí con đường:

Thuộc khu vực Thủy Biều (Phường Thủy Biều)

Điểm đầu: Bùi Thị Xuân

Điểm cuối: Miếu cây sen

Chiều dài: 420 mét

2. Địa danh gắn liền với con đường:

Nguyệt Biều là địa danh văn hóa, tên một ngôi làng cổ ở xứ Thuận Hóa, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Sách Ô châu cận lục (1553) của Tiến sỹ Dương Văn An ghi tên làng thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong. Đến năm Minh Mạng 16 (1835) thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, từ năm 1981 thuộc xã Thuỷ Biều (nay là phường Thủy Biều, thành phố Huế). Làng Nguyệt Biều là làng có diện tích rộng, dân số đông chiếm hơn ¾ diện tích phường Thủy Biều. Trên địa bàn có các di tích lịch sử là di sản văn hóa thế giới như Hổ Quyền, điện Voi Ré; di tích Thành Lồi, nhà máy nước Vạn Niên, đồi Long Thọ; thắng cảnh nổi tiếng: đồi Vọng Cảnh. Làng cũng là nơi sản sinh ra các vị tiến sỹ triều Tự Đức (Hoàng Trọng Từ, Hoàng Trọng Nguyên), các danh nhân văn hóa như Thân Văn Nhiếp, Thân Trọng Huề, Thanh Nghị (Hoàng Trọng Quỵ), phò mã Thân Trọng Di… Nơi đây cũng là nơi an nghỉ của Quận công Định Viễn, công chúa Mai Am. Làng cũng là nơi dừng chân và sinh con cháu truyền thừa của Thượng thư Bộ Lễ triều Gia Long Đặng Đức Siêu. Làng Nguyệt Biều có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng, dân gian có câu “Ruộng Đồng Di, Thi Nguyệt Biều”. Hiện nay, làng Nguyệt Biều là địa điểm hấp dẫn đầu tư du lịch sinh thái với đặc sản thanh trà ngon nổi tiếng và những danh lam, thắng cảnh cũng như nét văn hóa làng quê vẫn còn mang đậm nét truyền thống.

 


 

 

Đường Ngô Hà

 

1. Vị trí con đường

Đường Ngô Hà nằm trên địa bàn xã Thủy Biều, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Bùi Thị Xuân (cạnh ngã ba, đoạn nối dài thường gọi là đường Long Thọ), chạy qua chợ Thủy Biều đến cuối đường chính của làng Nguyệt Biều, dài 950m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào thế kỷ 17, cùng thời với việc dựng đình làng Nguyệt Biều. Nguyên là đường đất nhỏ, chạy dọc làng, thuộc huyện Hương Thủy. Đến tháng 9/1981, xã Thủy Biều sát nhập vào thành phố, đường dần dần được nâng cấp, đổ nhựa. Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Ngô Hà. Tương truyền, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Ngô Hà thường ra vào thành phố để lên chiến khu bằng con đường này.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Ngô Hà (Canh Thân 1920 - ất Tỵ 1965) Liệt sĩ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, tên thật là Ngô Thúc Trưu, các bí danh Ngô Hà, Ngô Lén, Lê Hà. Quê ở làng Thanh Lam Bồ, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia đình hàn Nho yêu nước. Năm 1936, ông thi đỗ Tiểu học Pháp - Việt, rồi thôi học, ở nhà tìm đường liên lạc với những người hoạt động chính trị trong vùng như Đỗ Tram, Hồ Nguyên, Hồ Kháng. Ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng cách mạng, một phần qua sách báo như Nhành Lúa, Dân, Tiếng Dân. Thời gian này ông tham gia tích cực phong trào đòi dân chủ, biểu tình đón Gô-đa nên bị hương lý truy bắt. Ông trốn vào Nam làm phu đồn điền. Năm 1940, ông về Sài Gòn tìm cách liên lạc với các tổ chức yêu nước. Sau 1941, việc truy bắt tạm lắng, ông trở về quê để trị bệnh. Năm 1943, ông vào làm thư ký cho hãng rượu Sica Quảng Ngãi đến tháng 3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp, hãng rượu đóng cửa, ông trở lại quê nhà. Từ tháng 5 đến tháng 8/1945, ông vận động quần chúng ủng hộ Việt Minh, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở xã, tổng, huyện. Tháng 9/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc chi bộ ghép ở Phú Vang, từ đó ông thoát ly hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Năm 1946, ông được tổ chức phân công phụ trách Bí thư chi bộ, rồi tổ chức Đảng ở các xã trong huyện Phú Vang. Ông đã tổ chức phát triển được hai chi bộ mới ở xã Phú Khuông, Phú Ninh và Phú Nhuận do ông trực tiếp làm Bí thư xã. Năm 1947, ông được bầu vào Huyện ủy Phú Vang. Năm 1948 vào Thường vụ huyện ủy. Năm 1949, ông được tỉnh điều động tăng cường cho huyện Hương Trà, sau làm Bí thư Hương Trà một thời gian, rồi lại được điều về tham gia Ban thường vụ Thành ủy Huế. Năm 1950, ông được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên. Năm 1952, ông được cử đi học chính trị tại Đại học Mác - Lê ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 1959, ông được cử đi dự Hội nghị Trung ương mở rộng tại Hà Nội, sau đó trở về truyền đạt Nghị quyết 15, rồi được cử làm Bí thư Tỉnh ủy cho đến 1962. Do thực tế chiến trường và tình hình chính trị cũng như vị trí chiến lược của Huế, năm 1961, T.Ư quyết định thành lập Ban cán sự thành phố do ông làm trưởng ban. Năm 1962, ông thôi chức Bí thư Thừa Thiên, sang trực tiếp phụ trách thành phố Huế trực thuộc Liên tỉnh Trị Thiên (thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên lúc này là hai đơn vị ngang cấp). Từ năm 1963, ông là Khu ủy viên Khu V, phụ trách phong trào đô thị mà trực tiếp là thành phố Huế đến 1965. Ngày 21/8/1965, trên đường từ nội thành Huế trở lên chiến khu Dương Hòa, ông bị bom Mỹ ném và đã hy sinh, hưởng dương 45 tuổi, mộ táng tại sườn Tây núi Kệ (có tên nữa là núi Rệ). Ngô Hà là người cán bộ tận tụy, người lãnh đạo thông minh, gan dạ thường bám sát cơ sở, một con người có đức tính nhân hậu dễ gần, được đồng bào đồng chí tin yêu kính phục. Ông đã hiến dâng trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước. Do công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quí, và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông Ngô Hà có vị trí xứng đáng trong lòng người dân Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND xã Thủy Biều, Trạm Bưu điện, Nhà văn hóa xã, Chợ Thủy Biều và rất nhiều khu nhà rường nằm trên đường này.

 

Đường Bùi Thị Xuân

1. Vị trí con đường

Đường Bùi Thị Xuân nằm trên địa bàn phường Phường Đúc và phường Thủy Biều, phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Lê Lợi (trước mặt ga Huế) chạy qua gầm cầu Lòn, qua hết địa phận Phường Đúc, kéo dài đến đầu làng Lương Quán thuộc phường Thủy Biều, dài 5323m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo một lối đi thuận tiện dễ dàng cho các đoàn hộ giá, nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền. Đầu thế kỷ 20, triều đình Huế đầu tư nâng cấp Nhà máy vôi Long Thọ, đường này lại được mở rộng thêm chút nữa. Trước 1945, người Pháp đặt tên là đường Arènes (Rue des Arènes). Riêng đoạn từ cầu Ga đến Nhà máy nước cũ, nơi có nhà ở của ông kỹ sư Bogaert, nên thường được gọi là đường Bồ-ghè (Rue Bogaert). Sau năm 1956 đặt lại tên là đường Huyền Trân Công Chúa (đường Huyền Trân Công Chúa trước 1975 chỉ kéo dài từ cầu Ga đến cầu Lòn trong địa phận của thị xã Huế, phía trên cầu Lòn thuộc huyện Hương Thủy, song dân gian thường cứ gọi là đường Huyền Trân nối dài kéo lên tận nhà thờ Tổ nghề Đúc Đồng). Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Bùi Thị Xuân. (Tháng 9/1981, xã Thủy Xuân và Thủy Biều mới sát nhập vào thành phố Huế).

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Bùi Thị Xuân (? - Nhâm Tuất 1802) Nữ tướng anh hùng triều Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu, cháu gái Thái sư Bùi Đắc Tuyên, quê ở làng Xuân Hòa, huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bà thường được gọi với danh xưng là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Bà không chỉ giỏi cầm quân mà còn là một tay luyện voi chiến cực tài. Trong một trận chiến khốc liệt với quân Nguyễn ánh đầu năm 1802 tại lũy Trấn Ninh, bà cưỡi voi, chỉ huy 5000 quân góp mặt dưới quyền vị Thống lĩnh chư quân Nguyễn Quang Thùy, và Tư lệnh tiên phong Nguyễn Văn Kiên đánh lui nhiều đợt tấn công của quân chúa Nguyễn. Giữa trận tuyến, bà anh dũng thúc voi xông thẳng vào đội hình địch, làm cho quân đối phương khiếp vía hoảng loạn. Sau mấy ngày phản công, quân Tây Sơn cũng bị tiêu hao nhiều sinh lực, còn viên Tư lệnh Nguyễn Văn Kiên yếu thế đã đầu hàng quân chúa Nguyễn, bà đành phải nuốt hận lui binh bỏ chạy. Sau mấy tháng ẩn ở vùng núi Nghệ An lo chiêu quân gầy dựng lại nhà Tây Sơn, một hôm, bà cùng chồng bị quân chúa Nguyễn bắt được tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, sau đó thì bị Nguyễn Vương sai đem xử tội, hành hình rất dã man. Ga Huế, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh, UBND phường Phường Đúc, Trường THCS Tôn Thất Tùng, Đền Phổ Hóa, Nhà thờ Tổ nghề Đúc đồng, Nhà thờ Phường Đúc, Công ty Khai thác đá, Từ đường Đỗ tộc, Chùa Long Thọ (khuôn hội Dương Biều cũ), Nhà thờ Nguyễn tộc đệ nhất hệ, Di tích Hổ Quyền, Công ty SXKDVL xây dựng Long Thọ, Đình cổ làng Nguyệt Biều, Nhà thờ họ Thân Trọng nằm trên đường này.

 

Một góc đường Bùi Thị Xuân

 

 


 

Đường Huyền Trân Công Chúa

 

1. Vị trí con đường

Đường Huyền Trân Công Chúa nằm trên địa bàn xã Thủy Xuân, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Bùi Thị Xuân (ngã ba cạnh nhà thờ Thiên Chúa giáo, Phường Đúc), chạy qua di tích Thành Lồi, qua phía sau lưng bờ thành lăng vua Tự Đức đến đồi Vọng Cảnh, dài 2750m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên ủy là đường làng Dương Xuân và Dương Xuân Thượng còn rải đất biên hòa, thuộc xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy; giữa thế kỷ 19 xây dựng lăng Tự Đức, đường được mở rộng thêm. Đến tháng 9/1981, xã Thủy Xuân sát nhập vào thành phố, đường lại được nâng cấp, đổ nhựa. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên là đường Huyền Trân Công Chúa. Dân gian vẫn quen gọi là đường Thành Lồi. Hiện nay đường Huyền Trân Công Chúa là ranh giới hành chính của 2 phường Thủy Biều, Thủy Xuân và phần đầu của đường thuộc phường Phường Đúc.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Huyền Trân Công Chúa (Đinh Hợi 1287 - ?) Huyền Trân là Công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1293, vua Chàm cử một đoàn sứ thần sang Đại Việt, nhân lễ lên ngôi của Trần Anh Tông, sau khi vua cha là Trần Nhân Tông thoái vị làm Thái Thượng hoàng. Năm 1301, nước Chàm lại phái sứ bộ sang Đại Việt, nhân cơ hội này, Thượng hoàng Nhân Tông cùng phái bộ vân du qua Chàm. Thượng hoàng ở lại Kinh đô Chàm 9 tháng, trước khi trở về Đại Việt ngài đã hứa gả Huyền Trân cho vua Chàm là Chế Mân. Năm Hương Long thứ 13, 1305, Chế Mân sai sứ là Chế Bồ Đài đem hơn 100 người và vàng bạc, hương liệu quí, vật lạ sang Đại Việt cầu hôn. Triều đình nhiều người phản đối, văn nhân nghệ sĩ thì làm thơ đặt vè chế riễu, riêng Văn Túc Vương Đạo Tái tán đồng, Hành khiển Trần Khắc Chung ủng hộ nên việc gả Công chúa được suôn sẻ. Chế Mân xin nộp đất hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Đất hai châu Ô, Lý kể từ Nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị vào Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam. Tháng 6 năm Hương Long 14, 1306, Chế Mân đón dâu về Chàm, lúc này Công chúa vừa tròn 20 tuổi ta. Huyền Trân về Chàm được tấn phong Hoàng hậu, mỹ hiệu là Baranecvari. Gần một năm sau thì Chế Mân chết (tháng 5/1307). Đến tháng 9 năm 1307, thế tử Chàm là Chế Đa Đa sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo việc tang. Theo tục người Chàm, "vua băng hậu phải hoả thiêu cùng". Tháng 10 năm 1307, vua Anh Tông sai Hành khiển Trần Khắc Chung và Đặng Vân sang Chàm điếu tang và lập kế đưa Huyền Trân về nước. Tháng 8 năm Hương Long 16, 1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Vua Anh Tông cho bà về lập ấp ở đất Thái Đường - Lưu Xá, thuộc phủ Hương Long (nay là huyện Hương Hà, tỉnh Thái Bình), nơi có lăng mộ các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Tại đây bà dạy dân trồng dâu dệt vải, dạy múa các điệu cung đình Chàm. Khi ngoài 30 tuổi, bà quyết định chia hết điền sản ruộng vườn của mình cho nông nô và giải phóng cho họ, rồi xuống tóc qui y cửa Phật ở chùa Nộn Sơn, xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; bà qui tiên lúc nào không rõ? Chỉ biết rằng, tại Hưng Hà, nhân dân đã lập đền thờ và tôn bà là Mẫu, hàng năm có cúng tế. Hậu thế xem bà như là người đã khai canh ra vùng đất Thuận Hóa. Hiện ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam nhiều nơi vẫn còn lập miếu thờ bà. Trường phổ thông Dân tộc nội trú, Xí nghiệp sản xuất gốm cổ Huế nằm trên đường này.

 

Duy Nhật
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.088.246
Truy cập hiện tại 226