Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Khai mạc Festival Huế 2012: Điểm nhấn mở màn năm du lịch quốc gia
Ngày cập nhật 08/04/2012
 
 

Tiết Thanh minh của đất trời xứ Huế, mưa nắng quấn quýt lấy nhau tạo nên sự vần vũ của những cung bậc xúc cảm ban sơ của con người: buồn-vui, sâu lắng-sôi nổi, Huế muôn thuở vẫn là đất của nắng và mưa, vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được vậy. Trong trường cảm nhận đậm màu văn hóa ấy, khai mạc Festival Huế 2012 - Điểm nhấn mở màn Năm du lịch quốc gia – Duyên hải Bắc Trung bộ đã diễn ra tối 07/4/2012.

 



Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên bố khai mạc
Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia

Tham dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavad, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đông đảo cán bộ lão thành nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các vị đại sứ, khách quốc tế, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các nghệ sĩ, diễn viên và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế, cùng hàng vạn khán giả là du khách và nhân dân cố đô Huế.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chào mừng khai hội
Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia

Với chủ để "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố Lịch sử", Festival Huế 2012 là xuất phát điểm trong hành trình "Du lịch di sản" của năm Du lịch quốc gia này. Đặc biệt, Festival Huế 2012 là hoạt động văn hóa đặc biệt được Bộ Văn hóa nước ta đề xướng trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á, Mỹ La Tinh (FEALAC) và được đông đảo các quốc gia thành viên hoan nghênh.

Như phát biểu chào mừng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại khai mạc Festival Huế 2012 và Năm du lịch Quốc gia, trong hành trình du lịch kết nối các di sản, mỗi vùng miền, quốc gia, con người đến với nhau bằng tình hữu nghị, ban giao, hòa bình và hợp tác. Thực vậy, Festival Huế 2012 nhận được sự ưu ái của đất trời, sự hân hoan chào đón của hàng triệu con người, cùng sự nhiệt tình cống hiến nghệ thuật của hàng nghìn nghệ sĩ chuyên và không chuyên đến từ 27 quốc gia, thuộc 5 châu lục đến Huế.

Từ ngày 07 đến 15/4/2012, cùng với Festival Huế, mỗi người sẽ có được cho mình những trải nghiệm mới trên đất kinh đô cũ.

Đi từ "Âm vang một miền di sản", chương trình nghệ thuật tổng hợp đêm nay đã đưa khán giả đến với năm xứ sở giàu trầm tích văn hóa và dấu ấn lịch sử trải dài từ xứ Thanh đến xứ Huế. Chương trình khai hội còn là sự giao thoa của âm nhạc truyền thống hòa điệu cùng âm nhạc hiện đại, sự hòa hợp giữa tiếng đàn Piano thanh thoát với tiếng công chiên đậm chất thiên nhiên hoang sơ, nơi âm thanh réo rắt của đàn nhị Việt Nam giao duyên cùng dàn kèn đồng của âm nhạc Pháp; là những vũ điệu sôi nổi của múa truyền thống Nga sang Philipin đến vũ điệu miền sa mạc nước Úc;  hay sự hòa quyện giữa vũ điệu và nhạc cụ của đoàn nghệ thuật đại diện nước Hàn Quốc, đoàn Thiên Tân-Trung Quốc ...  Trong thông điệp “Ngàn năm vọng mãi” của tiết mục nghệ thuật tổng hợp, Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia 2012 chính thức khai hội.



























Festival Huế 2012 trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia -Duyên hải Bắc Trung bộ 2012 là một trong những mốc quan trọng gắn với sự đồng tâm nhất trí, chung tay gắn kết của các tỉnh thành có tiềm năng du lịch, của các tổ chức trong và ngoài nước nhằm hướng đến một nền Du lịch Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Di sản văn hóa với Hội nhập và phát triển.

“Xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch. Trước bối cảnh và xu hướng đó, Việt Nam cần phải có Chiến lược phát triển du lịch với quan điểm phát triển đột phá đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập, hiệu quả và bền vững tương xứng với tiềm năng của đất nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 phải khắc phục được những điểm yếu, hạn chế của giai đoạn vừa qua đồng thời phải tạo bước phát triển mạnh về chiều sâu, lấy chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả làm thước đo đánh giá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tính chất hiện đại.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là kim chỉ nam định hướng cho các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế - xã hội, trong đó ngành Du lịch là hạt nhân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.”


Trích: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
 

Ảnh: PVVu-CTV, Bài: Hồng Ngọc-CTV
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.094.015
Truy cập hiện tại 265