Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Dự án "Quản lí và phát triển nhãn hiệu tập thể Thanh Trà Huế"
Ngày cập nhật 22/03/2012

Trước đây, nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế" chỉ có 53 hộ trồng bưởi thanh trà tại phường Thủy Biều, thành phố Huế được công nhận bảo hộ. Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều cũng là cơ quan chủ trì khai thác, phát triển nhãn hiệu "Thanh Trà Huế".

Dự án "Quản lí và phát triển nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế" cho sản phẩm thanh trà tỉnh Thừa Thiên - Huế" do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện, đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế". Theo đó, đến cuối năm 2011 đã có thêm 136 hộ dân ở các địa phương khác có trồng thanh trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế". Bao gồm, phường Thủy Biều có thêm 53 hộ, nâng tổng số hộ có đủ điều kiện được bảo hộ nhãn hiệu "Thanh Trà Huế" lên 106 trong tổng số 750 hộ trồng thanh trà. Thủy Biều cũng là địa phương có nhiều hộ trồng thanh trà được bảo hộ nhãn hiệu nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiếm đến 56%. Các địa phương khác ngoài Thuỷ Biều lần đầu tiên được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế", gồm có hai xã của huyện Hương Trà là Hương Vân, 11 hộ với 3ha; Hương Hồ, 10 hộ với 2ha. Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, 25 hộ với 5,5ha. Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, 13 hộ với 2,5 và xã Phong Thu, huyện Phong Điền, 24 hộ với 5ha.

Như vậy, tổng số hộ trồng thanh trà được trao quyền sử dụng nhãn hiệu "Thanh Trà Huế" đã tăng lên 189, gấp 3,5 lần so với trước đây. Để được trao quyền bảo hộ nhãn hiệu "Thanh Trà Huế", hộ trồng thanh trà phải có đủ các tiêu chuẩn như: mỗi cây thanh trà phải có ít nhất 150 quả; mỗi quả có trọng lượng từ 0,7kg trở lên; có đủ độ ngọt... Hơn nữa, "Thanh Trà Huế" đã nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường nhờ được bảo hộ nhãn hiệu trước đó. Mỗi kg thanh trà mang nhãn hiệu có giá 26.000 đồng, gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với sản phẩm không được bảo hộ nhãn hiệu. Thanh trà được bảo hộ cũng đã được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội khoảng 2000kg; Tp. Hồ Chí Minh gần 1000kg; ngoài ra, còn ở Đà Nẵng và các tỉnh khác... Mặt khác, những hộ trồng thanh trà trong vùng được bảo hộ nhãn hiệu cũng đã được tập huấn, cung cấp tài liệu, trang bị kiến thức về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng nhãn hiệu...

Bên cạnh đó, dự án cũng chọn 10 hộ trồng thanh trà đã được bảo hộ nhãn hiệu ở phường Thủy Biểu thành lập mô hình "du lịch nhà vườn Thanh Trà Huế". Ông Tôn Thất Đào - Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết: năm 2012 sẽ tổ chức tuyến du lịch sinh thái cộng đồng "nhà vườn Thanh Trà Huế". Mô hình sẽ đón du khách đến thăm quan vườn thanh trà; thưởng thức các món ăn được chế biến từ thanh trà như chè, nem, gỏi... Mô hình "du lịch nhà vườn Thanh Trà Huế" cũng kết hợp kinh hoanh các sản phẩm từ nhãn hiệu "Thanh Trà Huế".

Việc mở rộng nhãn hiệu tập thể "Thanh Trà Huế", đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế có thêm điều kiện để tổ chức sản xuất thanh trà theo tiêu chuẩn "quy trình sản xuất nông nghiệp tốt" (VietGap). Từ đó, hoàn thiện quy trình sản xuất thanh trà từ khâu tuyển chọn giống đến chăm bón, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

    Email   In ấn
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.093.028
Truy cập hiện tại 192