Chào mừng quý vị đến với lễ hội Thanh trà phường Thủy Biều lần thứ IV/2014
Tìm kiếm
Đơn vị hỗ trợ
Một chủ tịch Hội giàu tâm huyết với Nông dân
Lượt xem 13026Ngày cập nhật 15/04/2014
Chị Tương đang sưu tập tài liệu viết lịch sử truyền thống phường Thủy Biều

Phường Thủy Biều là một địa phương nổi tiếng với phong cảnh hữu tình. Nơi đây còn in đậm một khung cảnh làng quê mộc mạc, thanh bình với đầy đủ đình, chùa, miếu, vũ, với những lỹ tre xanh, những vườn cây xanh tươi tỏa bóng mát quanh năm. Đây cũng là địa phương có những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hổ Quyền, Điện Voi Ré, Thành Lồi, đồi Vọng Cảnh… Và đặc biệt đây là vùng đất có diện tích và sản lượng đặc sản thanh trà nhiều nhất và ngon nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, cư dân vẫn còn sản xuất nông nghiệp, làm vườn và buôn bán nhỏ nhưng lại là một điểm tiềm năng về du lịch sinh thái.

Sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Thủy Biều và công tác tại địa phương từ những ngày đầu giải phóng, chị Tôn Nữ Quỳnh Tương đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng của địa phương nay là chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều đã nhiều lần trăn trở, thao thức vì sao người dân Thủy Biều bao đời cần cù, chịu thương chịu khó và được thiên nhiên ưu đãi ban cho cây đặc sản thanh trà mà vẫn cứ nghèo nhất là người nông dân. Chị đã cũng Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghe ở đâu có phương pháp hay, mô hình mới, nông dân giỏi là chị tìm đến thực địa, học tập. Chị đã từng tìm hiểu mô hình làm nấm rơm, nắm linh chi tại xã Phú Lương (Phú Vang), trồng rau, hoa tại Phú Mậu (Phú Vang), trồng rau sạch tại Quảng Thành (Quảng Điền), Trà Quế (Quảng Nam) hay mô hình trồng hoa lyly tại Đà Lạt… và mời chuyên gia về tập huấn tại địa phương. Nhìn chung, những mô hình đó đều có thể và đã thực hiện ở địa phương nhưng đều không hiệu quả vì đầu ra quá bấp bênh không đảm bảo thu nhập cho nông dân. Vừa qua, qua tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, chị đã áp dụng mô hình trồng gừng trong bao cho nông dân trong phường. Ban đầu, một số người ái ngại vì trồng gừng thì nông dân ở đây đã trồng nhiều nhưng không hiệu quả nay lại trồng trong bao thì đầu tư lớn hơn mà chắc gì đã có lợi nhuận. Nắm được tâm lý này, chị đã xin chủ trương của Đảng ủy, Ban Thường vụ Thành hội và lập dự án vay vốn của Hội Nông dân tỉnh cho một số hộ vay làm thử. Sau 6 tháng canh tác, gừng trồng trong bao cho năng suất cao gấp đôi, thậm chí gấp ba và chất lượng tốt hơn trồng đất nên thu nhập rất cao. Điển hình có bà Võ thị Túy Lệ, ông Hoàng Ngọc Cần được bao tiêu 70.000đ/kg với số lượng không hạn chế trong khi thị trường khoảng 20.000đ – 30.000đ/kg. Mới đây, có doanh nghiệp đăng ký với địa phương sẽ tiêu thụ 1 tấn sản phẩm/tháng với giá cao sẽ thúc đẩy nhân dân địa phương tích cực tham gia nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Mới đây, trong năm 2013, nắm bắt được xu thế du lịch sinh thái và lợi thế của địa phương và những đặc điểm riêng có của vùng đất Thủy Biều, chị và Hội Nông dân phường đã mạnh dạn triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Từ những nông dân chân lấm tay bùn thì nay lại là những hướng dẫn viên du lịch, những bếp trưởng, lễ tân phục vụ khách du lịch. Những điểm tham quan trong tour bao gồm những di tích, thắng cảnh, những ngôi nhà rường xinh xắn rợp tán cây xanh hay nhưng cánh đồng, vườn rau xanh mát mà du khách có thể tham quan hay trải nghiệm. Buổi trưa, du khách được ăn trưa trong những ngôi nhà cổ bên những tán cây trĩu quả bằng những vật phẩm, nông sản do nông dân địa phương sản xuất, làm ra.

Ông Nguyễn Văn Phu - phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố Huế - nhận xét khi đề cập đến chị Quỳnh Tương: “Chị Tương là một người giàu tâm huyết với phong trào. Chị dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm với công tác hội và luôn tìm tòi, sáng tạo những mô hình hay, điển hình mới để áp dụng cho cơ sở. Hội Nông dân phường Thủy Biều luôn được xếp loại vững mạnh xuất sắc cũng bởi một phần đóng góp không nhỏ của chị Quỳnh Tương”

Trò chuyện với chị về những thành tích và nhận xét của lãnh đạo, chị chỉ mỉm và tâm sự “Có gì mà gọi là thành tích. Những công việc mình làm không phải vì một điều gì cao xa mà chính là tâm huyết để giúp bà con mình thoát khỏi nghèo đói và làm giàu chính trên mãnh đất quê hương. Mình còn nhiều ý tưởng lắm nhưng không biết có thực hiện được không. Nhiều lúc thấy người nông dân mình lam lũ, chịu thương chịu khó, cần cù như vậy mà vẫn cứ nghèo mình thấy như mình còn nợ một món nợ lớn lắm”

Qua tìm hiểu, ngoài công việc chuyên môn, chị Tôn Nữ Quỳnh Tương còn là một người rất hăng hái tham gia các phong trào từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Chị đã tích cực bằng quan hệ cá nhân hoặc thông qua tổ chức, bạn bè đã vận động hàng chục triệu đồng xây dựng, tu sửa đình làng, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây nhà tình nghĩa, tình thương đối với những hộ khó khăn, nghèo túng. Chị còn là một Hội thẩm nhân dân năng động, nhiệt tình và xuất sắc của Toàn án nhân dân thành phố Huế.

Chia tay với chị, trong lòng tôi vẫn còn in đậm những lời tâm sự của chị về công tác xã hội và thiện nguyện. Tôi thầm mong sao cho những ý tưởng của chị sớm được thực hiện để người dân của địa phương nhất là người nông dân được tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một ước mơ bình dị nhưng hàm chứa tấm lòng sâu sắc biết bao./.

Duy Nhật
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.058.442
Truy cập hiện tại 181