Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số chuyển biến trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Huế
Ngày cập nhật 16/08/2016
Đường Nguyễn Huệ-TP Huế

Xây dựng, phát triển thành phố Huế ngày càng văn minh, hiện đại là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Huế.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân Thành phố, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, nhất là công tác đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Nhìn tổng thể, diện mạo đô thị Thành phố ngày càng khang trang, nếp sống văn minh đô thị được chú trọng bồi đắp, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của mảnh đất Cố Đô được bảo tồn, phát huy. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đảm bảo trật tự và nếp sống văn minh đô thị được nâng cao.

Bước đầu đã hình thành những phong tục tập quán mới tiến bộ, lành mạnh. Có nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng địa phương, công sở, đơn vị đạt chuẩn văn minh, văn hóa… Ý thức đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái có sức lan tỏa trong cộng đồng. Hàng năm, qua kiểm tra, bình xét… các địa phương, cơ quan, công sở được công nhận đạt chuẩn văn minh - sạch đẹp; gia đình văn hóa; gương người tốt, việc tốt ngày càng tăng; nhu cầu chính đáng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân được quan tâm đúng mức; nhiều phong trào thiết thực như: xây dựng tuyến phố văn minh đô thị do Hội Cựu Chiến binh làm nòng cốt, Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào xây dựng tuyến phố không rác, “5 không, 3 sạch”, cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” và “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, xây dựng clip tuyên truyền về các quy định “Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế đốt vàng mã và rải vàng mã khi đưa tang”… được phát động rộng rãi, người dân đồng tình, hưởng ứng, tham gia ngày càng đông… Đặc biệt, năm 2016 là năm được lãnh đạo Thành phố chọn là “Năm nâng cao chất lượng quản lý đô thị và thực thi công vụ nhà nước”.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đô thị hóa ngày càng nhanh, thành phố Huế là nơi hàng năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch và là trung tâm kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế, là nơi tập trung nhiều thành phần dân cư, các hộ kinh doanh buôn bán lớn, dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị khó kiểm soát, vì vậy công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị vẫn còn không ít hạn chế, bất cập: Việc đảm bảo trật tự, nhất là trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị, an toàn giao thông, nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm. Vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, bức xúc. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, mua bán; tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, sông, hồ… còn tái diễn, gây bức xúc trong nhân dân; quảng cáo, rao vặt không đúng quy định diễn ra ở nhiều nơi. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự và môi trường đô thị của một bộ phận tổ chức và người dân chưa cao; văn hóa trong ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước còn một số yếu kém. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này cơ bản là do ý thức con người. Cư dân đô thị phần lớn xuất phát từ nông dân, chưa thoát khỏi tư duy tiểu nông, chưa sẵn sàng với cơ chế đô thị. Bên cạnh đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề đô thị của chính quyền các cấp chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả, sự phân cấp trong quản lý đô thị còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng còn chậm phát triển chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội hiện tại. Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi nêu lên một số giải pháp sau đây:

1. Xây dựng văn hoá đô thị trước hết cần xác định việc xây dựng nhận thức cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ tuyên truyền vô cùng quan trọng. Bởi trong cộng đồng hội tụ đầy đủ các tầng lớp để từ đây lan tỏa cho cả xã hội. Do đó công tác tuyên truyền cần đa dạng và phong phú như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật và đầu tư thiết chế văn hóa; đảm bảo trật tự xã hội; giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa và giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng. Với tầm quan trọng đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế căn cứ Nghị quyết của Thành ủy, Đề án về trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh của Ủy ban nhân dân thành phố đã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận tham gia thực hiện trật tự và xây dựng nếp sống văn minh tại địa bàn khu dân cư, qua đó đề ra một số công việc cấp bách cần phải làm hiện nay.

2. Để có văn minh đô thị, con người thân thiện, ứng xử văn hóa, cần phải thực hiện áp lực pháp luật. Ngoài giáo dục ý thức, thì xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa, văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Khi ứng xử văn hóa đã trở thành nề nếp, thói quen thì bất cứ ở môi trường nào tính tự giác của người dân cũng được phát huy. Để thực hiện được việc này, Thành ủy Huế đã ban hành Nghị quyết 05 “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố Huế giai đoạn 2016 – 2020” và Thành phố cũng đã xây dựng ban hành các văn bản quản lý về trật tự đô thị. Song song với việc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật là công tác tổ chức xử lý các vi phạm trật tự đô thị được Thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố có Đội Quản lý đô thị Thành phố thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm văn minh đô thị, tổ chức giải tỏa hành lang vỉa hè, xử lý vi phạm, tháo dỡ, dọn dẹp lòng đường, hè phố... Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành văn hoá Thành phố, và các phường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi thiếu văn hóa, các hoạt động quảng cáo tùy tiện. Do vậy, vỉa hè các tuyến phố của Thành phố cơ bản đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết.

3. Quan tâm, chú trọng xây dựng chất lượng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Xây dựng văn minh đô thị, công dân thân thiện từ các phong trào quần chúng được quan tâm đúng mức. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Thành phố đã xây dựng Đề án về trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh với quan điểm đưa nếp sống văn minh đô thị vào cuộc sống gần gũi với người dân hơn, gắn vào các tiêu chuẩn bình xét công nhận danh hiệu. Hàng năm Thành phố tổ chức kiểm tra, phúc tra lại toàn bộ các tổ dân phố đã đạt danh hiệu và đăng ký công nhận danh hiệu. Tổ dân phố nào vi phạm các tiêu chuẩn đều bị thu hồi danh hiệu. Cùng với phong trào này, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; Phong trào xây dựng “Tuyến phố văn minh”… được triển khai rộng rãi và được nhân dân đồng tình ủng hộ, thực sự đã có tác dụng rất tích cực trong việc xây dựng văn hoá đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; duy trì nề nếp công tác vệ sinh tại các tuyến đường, tuyến phố; xây dựng các mô hình tuyến phố tự quản “Xanh - Sạch - Đẹp”; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và của Thành phố.

Vấn đề xây dựng nếp sống văn minh và giữ gìn trật tự đô thị là lĩnh vực hoạt động xã hội rộng lớn, có nhiều việc phải làm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, trách nhiệm và hành động, hình thành ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật, trật tự, văn minh đô thị trong nhân dân góp phần xây dựng thành phố Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN.

Trần Thị Tuyết Mai - UBMTTQ VN thành phố Huế
    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.055.234
Truy cập hiện tại 56