Vẫn còn nhiều diện tích bỏ hoang
Dọc miệt vườn Thủy Biều, hiện còn rất nhiều diện tích hoang hóa. Tại khu vực Đông Phước, nhiều hộ dân chưa tập trung thâm canh cây đặc sản thanh trà mà đang sử dụng mô hình vườn tạp. Vườn ở đây, trồng đủ loại cây trái từ mít, thơm, dâu, thanh trà và rất nhiều loại cây khác nên thu nhập từ vườn của người dân đạt thấp.
Ông Thảng, năm nay hơn 80 tuổi sống tại khu vực Đông Phước. Diện tích đất vườn của gia đình ông trên 2.000m2, nhưng diện tích thanh trà quá thấp vì vườn tạp nên thu nhập bình quân từ vườn chỉ đạt trên 10 triệu đồng/năm. Tôi gợi ý ông nên chuyển đổi mô hình sang trồng tập trung thanh trà, nhưng ông không đồng ý vì thích cây trái theo mùa vụ.
Ông Thảng nói: “Trồng một loại cây phập phù lắm, nếu mất mùa thì trắng tay, nên gia đình vẫn để các loại trái cây khác, mùa nào trái cây đó để bán”. Ý kiến của ông Thảng cũng giống như nhiều gia đình khác ở Thủy Biều nên số lượng vườn tạp còn rất lớn.
Cần tuyên truyền sâu rộng trong dân
Thanh trà Thủy Biều đã có thương hiệu trên thị trường nhờ vào sự quảng bá của chính quyền và người dân thông qua hoạt động lễ hội trái cây thanh trà hàng năm.
Mỗi năm, trung bình có từ 20 – 25 gian hàng bán trái cây thanh trà thu hút rất nhiều người dân cũng như các siêu thị đến đây để mua. Tổng sản lượng thanh trà bán ra khoảng 450 – 500 tấn, thu nhập từ 20 – 25 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập rất lớn đối với người dân làm vườn.
Ở Thủy Biều không hiếm những mảnh vườn chuyên canh thanh trà cho thu nhập vài chục triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng/vườn/năm. Hiệu quả kinh tế mang lại của cây thanh trà đã rõ, song vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa chú trọng chuyên canh thanh trà để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy, nhiều năm qua, diện tích trồng trà Thủy Biều tăng rất ít. Đến nay, tổng diện tích mới đạt 147ha, nếu mở rộng thêm diện tích đất trồng thanh trà ở Thủy Biều thì không chỉ dừng lại con số ở trên mà sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, đồng nghĩa là thu nhập người dân tăng cao.
Theo: Khôi Nguyên