Tìm kiếm

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Nâng tầm du lịch Thủy Biều
Ngày cập nhật 12/05/2018

Thủy Biều, nơi còn giữ được nhiều vườn thanh trà đặc sản xứ Huế đã có thương hiệu. Với không gian xanh mát, sạch đẹp, người dân sống hiền hòa, gần trung tâm thành phố, Thủy Biều được du khách tìm đến ngày càng nhiều hơn.

Tiềm năng

Nằm vùng ven TP Huế, phường Thủy Biều có 147ha chuyên canh cây thanh trà của hơn 1.000 hộ dân. Nơi đây còn có nhiều nhà rường cùng lối kiến trúc xưa tồn tại hàng trăm năm. Trong đó, có 7 nhà đang nằm trong đề án bảo vệ nhà vườn của TP Huế. Dịch vụ nhà nghỉ homestay, du lịch cộng đồng đã có 6 hộ tham gia với các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…

Hiện trên địa bàn phường còn có 2 khu resort đã đi vào hoạt động gồm: Công ty TNHH nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Huế Ecologde và Công ty CP Vườn xưa Huế Riverside với diện tích hơn 5ha. Thủy Biều đang là điểm đến du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng của du khách gần xa.

Bà Trần Thị Kim Lài, quản lý Resort Huế Ecologde cho biết, khu nghỉ dưỡng Huế Ecologde đi vào hoạt động từ tháng 8/2016 với 20 phòng. Năm 2016, thu hút trên 500 khách. Năm 2017, thu hút gần 2.000 khách. Đa số du khách đến với khu resort là khách nước ngoài như: Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada… Đến đây, du khách có thể đi bằng 2 đường là đường sông và đường bộ. Về với khu resort, khách lưu trú được hưởng các dịch vụ miễn phí như: ngâm chân từ các lá cây trong vườn, đi xe đạp tham quan các làng nghề ở Thủy Biều như: làng tranh vẽ, làng hương, làng hàng mã để tìm hiểu những nét văn hóa Huế. Doanh thu năm 2017 của khu resort trên 3 tỷ đồng.

Theo bà Lài, tiềm năng khách đến tham quan Thủy Biều theo tuor du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng là rất lớn, nhưng đường Bùi Thị Xuân quá nhỏ hẹp, xuống cấp nên mỗi khi xe 35 chỗ ngồi đến cầu Long Thọ đều phải dừng lại. Nguyên nhân là do khách nước ngoài không chịu cho xe qua vì cầu nhỏ hẹp, yếu. Ngoài ra, vấn nạn khai thác cát, sạn trái phép vào ban đêm, gây tiếng ồn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc nghỉ dưỡng của khách.

Ông Nguyễn Tiến Xuân, trú tại đường Bùi Thị Xuân cho biết, hàng ngày có hàng chục chuyến xe chở cát đi trên đường Bùi Thị Xuân. Do đường nhỏ, xuống cấp, các xe lại phóng bạt mạng nên gây ra tình trạng bụi mù, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân cũng như môi trường du lịch, nhất là đối với khách tham quan bằng dịch vụ đi xe đạp.

Nhiều giải pháp

Ngoài 2 khu resort và các nhà vườn đang đón khách, Thủy Biều còn nhiều tuor du lịch cộng đồng do các hãng lữ hành đưa về. Mùa cao điểm, Thủy Biều đón khoảng 200 khách/ngày. Hiện, Công ty TNHH Vườn Xưa (gia đình Trịnh Công Sơn) đang tiếp tục khảo sát đầu tư dự án không gian văn hóa Trịnh Công Sơn với diện tích 19ha tại bãi bồi Lương Quán. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch tại Thủy Biều còn chậm do hạ tầng hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn.

Ông Võ Đăng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều khẳng định: Để du lịch Thủy Biều phát triển, những năm qua, người dân cùng Nhà nước đã chung tay mở rộng 2 đường là Lương Quán và Thân Văn Nhiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như khách đến tham quan, du lịch. Hiện nay, còn khoảng 50 đường còn nhỏ hẹp cần đầu tư mở rộng. Trong đó, có 5 đường phục vụ du lịch cộng đồng về các vườn thanh trà cần mở rộng. Những con đường này, người dân sẵn sàng hiến đất mở đường, nhưng do kinh phí địa phương còn hạn hẹp nên chưa thể triển khai thực hiện được. UBND phường sẽ kêu gọi đầu tư, cùng với địa phương và người dân tiếp tục mở rộng đường từ 3m lên 5m, thúc đẩy du lịch phát triển.

Cũng theo ông Thái, theo lộ trình, 3 mỏ cát trên sông Hương thuộc địa bàn phường Thủy Biều sẽ đóng mỏ vào cuối năm 2019. Như vậy, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết triệt để. Hiện nay, định hướng của phường Thủy Biều là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có sự tham gia của người dân. Trong đó, có doanh nghiệp sẽ kết hợp với địa phương để làm du lịch cắm trại ở vườn thanh trà; tổ chức các trò chơi dân gian như bài chòi, tuor đạp xe đạp, tuor du lịch trải nghiệm làm vườn, tham gia các làng nghề cùng với người dân…

Được biết, năm 2018, chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)- Tiểu dự án Thừa Thiên Huế từ nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng sẽ đầu tư xây dựng đường Bùi Thị Xuân, cầu Long Thọ và đường Huyền Trân Công Chúa với kinh phí trên 98 tỷ đồng do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh làm chủ dự án. Trong đó, đường Bùi Thị Xuân sẽ được xây dựng với chiều dài hơn 3km nối từ cầu Long Thọ đến Trường tiểu học Thủy Biều. Theo thiết kế, mặt đường rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m. Cầu Long Thọ sẽ xây mới trên trên vị trí cầu cũ với chiều dài hơn 30m, rộng 13,5m, tải trọng thiết kế là HL93 (tất cả các loại xe đều qua được). Ông Nguyễn Tấn Anh Phi, chuyên viên BQL Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, các công trình trên sẽ triển khai lựa chọn nhà thầu vào quý 3/2018 và dự kiến sẽ thi công trong vòng 36 tháng là hoàn thành.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với các dự án lớn sẽ được triển khai xây dựng, du lịch Thủy Biều chắc chắn sẽ được phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Lễ hội thanh trà Thủy Biều được tổ chức 2 năm 1 lần thu hút khoảng 10.000 lượt khách. Từ lễ hội, người dân, du khách biết đến đặc sản thanh trà Huế, biết đến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của phường Thủy Biều nhiều hơn. Năm 2017, doanh thu từ trái thanh trà Thủy Biều lên đến gần 3 tỷ đồng.

Theo: Hải Huế ( Báo Thừa Thiên Huế )

    Email   In ấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 2.078.206
Truy cập hiện tại 6